Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa lại cho phép Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang được chuyển nhượng 3 lô đất vàng có tổng diện tích trên 11.000 m2  cho Công ty Cổ phần Đầu tư VHR. 

{keywords}
Sau hơn chục năm, dự án khu dân cư cồn Tân Lập nổi tiếng vì nhiều lần xin gia hạn tiến độ, chuyển nhượng và huy động vốn trái phép.

Nhiều lần xin giãn tiến độ

Dự án khu dân cư cồn Tân Lập có tổng diện tích gần 8ha, nằm ngay cửa biển được đánh giá là khu “đất vàng” của thành phố Nha Trang. Quy mô dân số của dự án lên đến 4.200 người với nhiều hạng mục công trình lớn: khu chung cư cao tầng trên 700 căn hộ; 4 khu nhà biệt thự và nhiều công trình thương mại, dịch vụ khách sạn, văn phòng.

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án hơn 2.718 tỷ đồng. Kế hoạch dự án khu dân cư cồn Tân Lập sẽ về đích vào năm 2013. 

Do không đạt tiến độ nên năm 2015, dự án đã được UBND tỉnh giãn tiến độ hoàn thành vào năm 2020. Cụ thể, giai đoạn 1: UBND gia hạn đến hết quý IV/2014, dự án phải hoàn thành thi công hạ tầng cơ sở kỹ thuật. Giai đoạn 2, các công trình cao tầng của dự án phải hoàn tất trước quý I/2020.

Đến thời điểm này, khi còn chưa đầy 1 năm nữa đến thời điểm phải hoàn thành, nhưng dự án vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng chứ đừng nói đến các hạng mục xây dựng theo quảng cáo.

Chiếc ‘bánh vàng’ lại được cắt bán

Là dự án lớn, đặt trên khu ‘đất vàng’ nhưng cồn Tân Lập của Cổ phần Sông Đà Nha Trang chỉ được biết đến là dự án nhiều lần chuyển nhượng đất, huy động vốn trái phép.

Theo quan sát, dự án cồn Tân Lập – chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang chắc chắn không đảm bảo tiến độ. Thế nhưng họ lại vừa được phép cắt tiếp miếng ‘bánh vàng’ để bán.

Phần được ‘cắt bán’ lần này cho Công ty Cổ phần Đầu tư VHR (trụ sở ở TP.HCM) có tổng diện tích 11.115m2 thuộc 3 lô đất có ký hiệu HH1, HH2 và HH3. Đây là diện tích đất thuộc dạng hỗn hợp - nhà dịch vụ, thương mại, chung cư.

Các lô đất này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng công trình trên đất.

Theo sở Xây dựng Khánh Hòa: Phần đất chuyển nhượng của dự án cồn Tân Lập đã có sổ đỏ nên đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định. Tiến độ thì còn 9 tháng.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang thực hiện chuyển nhượng một phần đất trong dự án cho công ty khác. 

Năm 2014, khu đất tòa nhà thương mại lô TM2 đã được chủ đầu tư chuyển nhượng cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên để xây dựng Tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa.

Năm 2017, công ty tiếp tục chuyển nhượng khu đất thương mại dịch vụ TM1 cho Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.

Trước đó, sở Xây dựng Khánh Hòa cũng đã xử phạt Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang do đã lén lút tổ chức huy động vốn dưới hình thức góp vốn 91 lô đất nền. Các hợp đồng bán nền này được huy động với giá 32 triệu đồng/m2 vào năm 2014. Đến nay, các lô đất trên đất trên được sang tay nhiều lần, giá trị hiện tại từ 50 đến 60 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Điều khiến công luận quan tâm hiện nay là, liệu doanh nghiệp (cụ thể Cổ phần Sông Đà Nha Trang) xin dự án để triển khai nhằm mang lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng hay họ lấy dự án nhằm hợp thức hóa rồi buôn bán, chuyển nhượng?

Công Hưng

Có dấu hiệu sai phạm hình sự tại dự án Thanh Bình

Có dấu hiệu sai phạm hình sự tại dự án Thanh Bình

 Nhiều người dân mua đất, biệt thự xây thô tại dự án Khu biệt thự Thanh Bình đã đóng 90-95% giá trị hợp đồng, nhưng vẫn chưa nhận được sổ hồng từ chủ đầu tư.