- Học viện phật giáo Việt Nam tại TP.HCM vừa khánh thành giai đoạn 1 với kinh phí 180 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến xây dựng Học viện hơn 1.000 tỷ đồng.

{keywords}

Sau 4 năm thi công, Học viện phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP.HCM vừa khánh thành giai đoạn 1 gồm có tòa hành chính, tòa học đường, tòa tăng xá, tòa ni xá và chính điện tạm đủ đáp ứng cho khoảng 600 tăng ni sinh viên học nội trú với kinh phí xây dựng 180 tỷ đồng.

Trước khi khánh thành ở cơ sở mới này, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM có trụ sở chính tại 750, Nguyễn Kiệm, P4. Quận Phú Nhuận. Với hơn 1.000 Tăng Ni hệ chính quy và hơn 1000 Tăng Ni hệ từ xa. Quy chế tuyển sinh của Học viện mỗi năm một lần. Tất cả các Tăng Ni đều có quyền tham dự kỳ tuyển sinh chính quy. Các Tăng Ni phải trải qua kỳ thi tuyển do Hội đồng Điều hành Học viện tổ chức với 3 môn thi bắt buộc gồm Phật học, Văn học Việt Nam và Ngoại ngữ (Anh văn, Hán cổ, Pàli). Đối với cư sĩ tại gia hoặc tu sĩ không có điều kiện dự thi có thể đăng ký tham gia học lớp đào tạo từ xa.

Trước đó, năm 2006, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo thành phố đề xuất nguyện vọng lên nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) tạo điều kiện để học viện có một mảnh đất xây dựng học viện mới và được đồng ý. Người kế nhiệm bí thư thành ủy TP.HCM sau đó là ông Lê Thanh Hải đã chuyển giao 23,8 hecta đất nông trường Láng Le thuộc xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) để xây dựng Học viện.

Ngày 4.11.2012, lễ đặt đá xây dựng Học viện phật giáo Việt Nam tại TP.HCM được tiến hành. Học viện có các hạng mục như hội trường quốc tế, khu hành chính, chánh điện, đại thư viện, khu nhà khách quốc tế, tăng xá và ni xá...

Dự kiến, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Học viện tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 gồm hội trường với sức chứa 3.000 người, chánh điện với sức chứa 2.500 người làm lễ cùng lúc, tòa thư viện lớn với sức chứa 1 triệu đầu sách, khu nhà khách quốc tế gồm 150 phòng với chi phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng.

  • Lê Huyền