Sáng 8/12, tại KCN Nhơn Trạch 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, Công ty CP cà phê Tín Nghĩa tổ chức lễ khánh thành Nhà máy cà phê hòa tan giai đoạn 1 với công suất 3.200 tấn/năm.

Ông Quách Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cà phê Tín Nghĩa cho biết, nắm bắt xu thế, sau một khoảng thời gian nghiên cứu về thị trường, công nghệ sản xuất cà phê hòa tan và các vấn đề liên quan đến dự án, Tổng Công ty Tín Nghĩa đã triển khai xây dựng "Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan" vào quý 1/2017.

{keywords}
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy cà phê hòa tan Tín Nghĩa công suất 3200 tấn/năm.

Qua gần 20 tháng thi công, lắp đặt máy móc thiết bị và chạy thử nghiệm đến nay nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động với số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng gồm 3 cổ đông đóng góp là Tổng Công ty Tín Nghĩa, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công và Công ty CP Dịch vụ Phú Nhuận.

{keywords}
Lãnh đạo Nhà máy cà phê hòa tan Tín Nghĩa (phải) nhận chứng nhận Hệ thống An toàn Thực phẩm theo Tiêu chuẩn FSSC 22000.  

“Nhà máy cà phê hòa tan Tín Nghĩa được đầu tư trong giai đoạn 1 khoảng 30 triệu USD, Nhà máy được xây dựng trên khu đất diện tích 5,4ha thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, nằm trên tuyến đường 25C nối TP.HCM đi Sân bay Quốc tế Long Thành” - ông Đức thông tin quy mô nhà máy.

{keywords}
 

Ông còn cho biết nhà máy sản xuất cà phê hòa tan giai đoạn 1 sẽ có công suất 3.200 tấn thành phẩm/năm. Đến cuối 2019, Nhà máy sẽ có công suất 5.000 tấn/năm và đến cuối năm 2021 sẽ là 10.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư cho các giai đoạn khoảng 100 triệu USD. Nhà máy sẽ được sản xuất trong dây chuyền hiện đại, khép kín đáp ứng các tiêu chí của Hệ thống An toàn Thực phẩm theo Tiêu chuẩn FSSC 22000. 

{keywords}
 

Sản phẩm chủ lực là Cà phê rang xay, Cà phê hòa tan hỗn hợp; đặc biệt là Cà phê hòa tan theo công nghệ Sấy Lạnh (Freezed Dried) sẽ được tiêu thụ ở thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu và một số nước thuộc Châu Á Thái Bình Dương.

{keywords}
 

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA) nhìn nhận, trong bối cảnh gia tăng nhu cầu và áp lực từ người tiêu dùng, tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng thực phẩm phải chứng minh tuân thủ với tiêu chuẩn về An toàn Thực phẩm. Việc Nhà máy Cà Phê Tín Nghĩa xây dựng hệ thống An Toàn Thực Phẩm theo FSSC 22000 là bằng chứng của sự tiên phong và cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hải cũng cho biết, nhà máy cà phê hòa tan Tín Nghĩa là 1 trong 2 nhà máy có công suất lớn nhất cả nước với 100% vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước.

Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, gắn liền với đời sống của hàng triệu người dân, đồng thời cũng gắn liền với sự nghiệp kinh doanh của hàng trăm doanh nghiệp.

Cà phê đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước, 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Vì tính chất quan trọng của cây cà phê nên trong năm 2016 Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đã lập đề án "Nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững". Mục tiêu của đề án là "Ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 600.000 ha, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững; Năng suất bình quân 2,7 tấn/ha; Đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất cà phê hòa tan, cà phê rang xay đạt 25% sản lượng xuất khẩu; Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 3,8 - 4,2 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2030 là đa dạng hoá sản phẩm theo hướng chế biến sâu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 5 - 6 tỷ USD ".

 Vĩnh Phú