Khi gặp Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI, giữa họ đã có những điểm chung lớn khi cùng chia sẻ khát vọng chinh phục mục tiêu mới. Đó là xây dựng một viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của người Việt, làm nghiên cứu đỉnh cao. Tại đây sẽ có những nhóm nghiên cứu mạnh, hướng đến các nghiên cứu đỉnh có tác động cao, đẩy nhanh các ứng dụng AI ở Việt Nam, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đào tạo, phát triển nhân tài trong lĩnh vực này.
Giáo sư Nguyễn Minh Hoài cho biết: “Như bao người con đất Việt, tôi luôn có khát khao được mang kiến thức của mình để đóng góp và cống hiến cho quê hương”. |
Chia sẻ về những mục tiêu, khát vọng của mình khi quyết định rời vị trí mơ ước của nhiều người để về Việt Nam làm việc và giúp ích cho đất nước, Giáo sư Nguyễn Minh Hoài cho biết: “Như bao người con đất Việt, tôi luôn có khát khao được mang kiến thức của mình để đóng góp và cống hiến cho quê hương”.
Giáo sư Nguyễn Minh Hoài từng tâm sự: “Để có thêm một bài báo công bố quốc tế không đơn giản, vậy mà có khi tôi đạt rồi vẫn không cảm thấy vui. Lý do là khi giải quyết bài toán của nước ngoài có thể tốt trong học thuật nhưng không giúp ích nhiều cho đất nước. Tại sao làm nhận dạng ảnh cho người dân nước Mỹ, Nhật mà lại không giải bài toán cụ thể hơn ở nước mình?”.
Quyết định về Việt Nam cống hiến của Nguyễn Minh Hoài gắn liền với ba mục tiêu chính. Thứ nhất là áp dụng khoa học công nghệ vào đời sống, giải quyết những bài toán của Việt Nam có tầm ảnh hưởng xã hội cao. Đó có thể là những bài toán đặc trưng mà chỉ có người Việt Nam quan tâm hoặc những bài toán quá nhạy cảm để dựa vào công nghệ của nước ngoài.
Mục tiêu thứ hai là làm nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Xuất phát từ những nhu cầu thực tế ở Việt Nam, nhà khoa học trẻ muốn tìm kiếm và đúc kết những bài toán khoa học then chốt cần giải quyết. Đây thường là những bài toán cơ bản rất khó, để giải quyết cần nỗ lực nghiên cứu từ cả cộng đồng khoa học thế giới.
Mục tiêu thứ ba là tham gia xây dựng VinAI, tham gia định hướng cho các nhà khoa học trẻ cũng như dẫn dắt những sinh viên nội trú của Viện.
Sau thời gian làm việc tại VinAI, Giáo sư Nguyễn Minh Hoài khẳng định có rất nhiều thuận lợi khi làm việc ở viện nghiên cứu này. Xét về nhiều mặt, kể cả trang thiết bị, tài chính, và nguồn nhân lực, VinAI là môi trường làm việc lý tưởng ở Việt Nam.
“Tôi nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo VinAI và lãnh đạo Tập đoàn VinGroup. Tôi vui vì những gì tôi cần cho mục tiêu của tôi đều được lãnh đạo Viện và Tập đoàn đáp ứng. Đó là động lực tinh thần quan trọng đối với nhà nghiên cứu, nên tôi không có chút cảm giác tiếc nuối nào với quyết định trở về của mình”, vị giáo sư trẻ bộc bạch.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Hoài, “nghiên cứu khoa học đỉnh cao ở Việt Nam như miền đất hứa mà chưa được khai phá nhiều. Nhưng một miền đất hoang bao giờ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần những nhà tiên phong dũng cảm đi khai phá, và cần sự hậu thuẫn về tài chính của một tổ chức lớn. Colombo có lẽ đã không tìm ra Châu Mỹ nếu ông không có sự hậu thuẫn của vương quốc Tây Ban Nha”.
Để thu hút thêm thật nhiều nhà khoa học trở về quê hương cống hiến, cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp công nghệ dám mạnh tay đầu tư vào nghiên cứu đỉnh cao, cần một môi trường mà giáo dục và nghiên cứu được coi trọng, và hơn thế là cần một chính sách mở, trong đó các trường đại học được tự quyết định mức lương thưởng để thu hút và giữ chân nhân tài. Các giáo sư ở các trường đại học và các ty công nghệ phải được tạo điều kiện để làm việc với nhau và hiểu nhau hơn, sao cho các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng và học thuật cao nhất, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu và mang lại lợi nhuận kinh tế cho doanh nghiệp.
Một thông tin đầy hấp dẫn được vị giáo sư trẻ chia sẻ, làm công tác nghiên cứu khoa học công nghệ tại một viện nghiên cứu có tiềm lực thuộc tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, có thể nói các nhà khoa học như được “hổ mọc thêm cánh”.
Trên thực tế, Vin AI đã và đang có rất nhiều chương trình để hỗ trợ các tài năng khoa học công nghệ trẻ ở các cấp độ khác nhau. Đầu tiên phải kể tới chương trình sinh viên nội trú, tạo điều kiện cho các bạn trẻ được trực tiếp làm việc với các giáo sư và nhà khoa học trong lĩnh vực AL.
Song song với chương trình nội trú, Giáo sư Nguyễn Minh Hoài và đồng nghiệp cũng đang phối hợp với một số nhóm nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, tạo điều kiện cho các sinh viên tham gia vào những dự án khoa học; Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học, các bài giảng chuyên đề về AL để các bạn trẻ có thể tiếp cận với những kiến thức mới; Tham gia tài trợ cho các cuộc thi và diễn đàn khoa học công nghệ.
Tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2019, có một thông tin gây chú ý về vấn đề nhân lực công nghệ hiện nay, cứ 60 người thì có khoảng 50 người làm công nghệ nhưng sau hai năm đầu tiên thì chỉ còn lại 1 người.
Với kinh nghiệm của một nhà khoa học thành công và thành danh từ tập đoàn công nghệ nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Minh Hoài lưu ý: “Công nghệ là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Chính vì vậy nó cũng rất cạnh tranh, và thất bại là chuyện thường ngày với bất kì ai. Không phải ai cũng có tố chất để theo đuổi lĩnh vực công nghệ, nhưng cũng đừng vì thất bại ban đầu mà nản chí, hay cũng đừng sợ thất bại mà không dám dấn thân”.
“Đối với các bạn trẻ có hoài bão thì không nên lựa chọn nghề nghiệp hoặc một lĩnh vực nào đó chỉ vì nó mốt, nó nhàn, hay nó dễ. Bởi vì cái gì dễ với bạn thì cũng dễ với người khác và các đối thủ cạnh tranh của bạn. Theo tôi, các bạn nên chọn hướng đi mà hội đủ hai yếu tố: lợi thế cạnh tranh và đam mê. Như tôi đã nói, không phải ai cũng có tố chất làm công nghệ. Còn đam mê thì rất quan trọng vì nó giúp bạn có nghị lực để vượt qua thất bại. Thành công và vinh quang sẽ không đến dễ dàng đâu”, vị giáo sư của VinAI gửi lời khuyên tới các bạn trẻ.