Ba tháng một lần, hãy chọn trong số chúng con những người xuất sắc thưởng bằng cách cho chúng con ăn một bữa ăn thật đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Phạm Thị Thuý Hằng, Lớp 91 trường THCS Tân Thanh, ấp Tân Lợi, xã Tiến Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre.

Kính gửi những trái tim luôn hướng về trẻ em - chúng con!

Đầu tiên là lời cảm ơn của chúng con - những đứa bé nghèo. Đây không phải chỉ là lời cảm ơn suông trên lí thuyết mà là lời cảm ơn tận đáy lòng của con.

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”


Ảnh minh họa
Bác đã từng nói như vậy nhưng chúng con chưa hề được hưởng như lời Bác nói. Trẻ em nghèo - một cụm danh từ vốn đã được hình thành từ rất lâu ở quê con. Quê hương con là nơi xa xôi, hẻo lánh. Miền quê cảnh đẹp hữu tình, tuy là đẹp thật đấy nhưng quanh năm cực khổ, lam lũ kiếm cái ăn đã rất khó thì giờ đâu mà xem cảnh đẹp, thời gian đâu mà quan tâm, chăm sóc trẻ em tụi con.

Thật sự con không chê bữa ăn của con mà là nó quá sơ sài so với trên lý thuyết con đã học về bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Bác Hồ cũng từng ăn những bữa ăn hết sức đơn giản nhưng tụi con còn quá nhỏ, sức đề kháng để chống chọi với mọi khó khăn còn chưa đủ. Con còn nhớ cái hôm mà nhà con được mấy cái trứng từ con gà mái mơ, thằng út mừng rỡ reo lên: “A! Nay nhà mình ăn tiệc”. Con lớn hơn nó, con biết nhiều hơn nó. Những đứa trẻ thành thị ăn thịt cá nhiều quá còn ngán mà với tụi con một cái trứng lại là bữa tiệc. Sao lại chênh lệch đến thế?

Thấy trên tivi quảng cáo bọn trẻ làng con thường nói: “Nếu sữa đó mỗi ngày tao uống 10 hộp.” Nhưng một ngụm còn không có lấy chi 10 hộp. Sự sống đã quá khó khăn đừng nói chi là vui chơi. Việc vui chơi của tụi con luôn gắn liền với việc nhà như: đi câu cá vừa vui chơi vừa kiếm thức ăn về cho gia đình, đi bắt dế vừa vui chơi vừa khiến chúng khỏi phá hoại mùa màng. Việc học hành của chúng em cũng hết sức hạn chế. Nhà nghèo học bài bằng đèn dầu vì thế nhiều đứa vẫn than mỏi mắt. Rồi đến những đêm mưa đang học, nhà dột ướt hết cả, nét chữ nắn nót cũng bị nhòe đi.

Kính thưa các bác, các chú!

Đây không phải chỉ vì con ích kỉ, muốn đòi hỏi cao sang mà là trẻ em nghèo như chúng con thực sự gặp nhiều khó khăn.

Dưới đây là một số ý kiến dại khờ của con:

- Ba tháng tổ chức một cuộc thi trong xã như kể chuyện, vẽ tranh, viết văn… chẳng hạn và tuyển chọn ra 100 học sinh xuất sắc, thưởng bằng cách cho chúng con ăn một bữa ăn thật đầy đủ chất dinh dưỡng. Làm thế vừa giúp được chúng con, vừa tạo ra sự công bằng giúp chúng con cố gắng hơn.

- Một tháng sẽ có chương trình phát sữa như sau:

Đối với học sinh lớp 1-3 dưới 20 kg được nhận 2 hộp sữa tươi.

Đối với học sinh lớp 4-5 dưới 28 kg được nhận 3 hộp sữa tươi

- Trong huyện sẽ có một khu vui chơi nhỏ dành cho trẻ em dưới 14 tuổi

- Trong một năm học nếu học sinh nào đạt 70-80 điểm 10 sẽ được tặng một đèn học bài.

- Nhà nào thuộc dạng hộ nghèo đặc biệt sẽ được tặng sách vở.

Và cuối cùng con chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.

Cuộc thi Viết về Quyền trẻ em Việt Nam

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".
Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi
Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội
Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội
Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn
Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011
Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011