- Giám đốc công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật, Q,Tân Bình thừa nhận hành vi như trong đoan clip phát tán trên mạng. Bước đầu xác định khẩu súng là công cụ hỗ trợ được cấp phép.
Liên quan đến vụ giám đốc công ty nổ súng dọa phụ nữ ở Sài Gòn như VietNamNet đã thông tin, diễn biến mới nhất vào chiều 6/12, Công an Q.Tân Bình đã làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ việc.
Hình ảnh thể hiện ông Bùi Đức Phương, giám đốc công ty Việt Nhật nổ súng uy hiếp người khác |
Bước đầu trong buổi khai báo sáng 6/12, ông Bùi Đức Phương, giám đốc công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật, trụ sở đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình thừa nhận vào chiều 5/12 có rút súng uy hiếp, nổ súng thị uy đối với bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1971, ngụ đường Đỗ Nhuận, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú). Ông Phương thừa nhận là vụ việc xuất phát từ việc công ty của ông chưa thanh toán khoản nợ tiền lương cho con trai bà Thúy.
Chiều 5/12, bà Thúy cùng con trai đến công ty gây ồn ào, cự cãi với nhân viên và ông Phương. Do đó trong lúc nóng giận, không kiềm chế được ông này đã rút súng thị uy, nhằm làm bà Thúy sợ chứ hoàn toàn không có ý gây sát thương đối với bà này.
Theo thông tin ban đầu, công an xác minh khẩu súng mà ông Phương sử dụng như mô tả trong đoạn clip phát tán trên mạng xã hội là súng dạng công cụ hỗ trợ, bắn đạn hơi cay.
Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật do ông Phương làm giám đốc, đứng tên đại diện pháp luật, hoạt động theo giấy phép cấp từ đầu năm 2014, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ cá nhân. Công ty này được cấp phép sử dụng súng công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật.
Hiện liên quan đến vi phạm của ông Phương dùng súng đe dọa, nổ súng thị uy giữa nơi đông người, nhằm uy hiếp 1 phụ nữ như đoạn clip trên mạng xã hội phản ánh, hiện Công an Q.Tân Bình đã làm rõ, báo cáo với Ban giám đốc Công an TP.HCM và phòng cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC64) để tiếp tục làm rõ và xử lý.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM): Trong trường hợp xác định ông Bùi Đức Phương, giám đốc công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Việt Nhật sử dụng súng loại công cụ hỗ trợ và chưa gây ra hậu quả thì có thể xử phạt hành chính về hành vi “Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả” theo điểm d khoản 3 Điều 10 Nghị định 167/2013 Chính phủ, với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật hoặc tước quyền sử dụng công cụ hỗ trợ trong thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng |
Anh Sinh