Với sự giúp đỡ nghĩa tình, cùng nhiều hình thức, cách làm hay, nhiều địa phương đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
Chung tay thay đổi cuộc sống người nghèo
Gia đình ông Đoàn Văn Kiệm (ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) có 3 đảng viên và là hộ nghèo đã mấy năm nay. Dù rất cố gắng làm ăn, song cái nghèo vẫn mãi đeo bám. Năm 2017, thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong gia đình chính sách, đảng viên thuộc hộ nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã nhận đỡ đầu gia đình.
Để giúp vợ chồng ông Kiệm có mái ấm an cư, hai đơn vị đã đóng góp hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng xây nhà. Địa phương cũng đẩy mạnh các chương trình hướng dẫn cách làm ăn, thường xuyên thăm hỏi, khuyến khích giúp gia đình ông vươn lên, ổn định cuộc sống.
Huyện ủy, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể ở Châu Thành A đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ các gia đình chính sách và đảng viên thuộc hộ nghèo xây dựng mô hình làm ăn, hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó các gia đình đã triển khai các mô hình làm ăn mang lại hiệu quả như chăn nuôi, trồng trọt... 41 hộ được hỗ trợ cất mới và sửa chữa nhà ở. Đến nay, toàn huyện có 40/42 hộ là gia đình chính sách, đảng viên thuộc diện hộ nghèo thoát nghèo. Đối với 2 gia đình chính sách chưa thoát nghèo, địa phương thực hiện bảo trợ xã hội, giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Ảnh minh họa |
Ở Hậu Giang, những mô hình giảm nghèo hay đang được triển khai hiệu quả. Những trường hợp nghèo do không có phương tiện sản xuất được hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, được hướng dẫn cách làm ăn. Với các trường hợp nghèo do chưa cố gắng lao động, tỉnh triển khai mô hình đối thoại để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể, giúp hộ nghèo gia tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.
Trao “cần câu” giúp dân giảm nghèo
Để Chương trình Mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững có hiệu quả, đi vào thực chất đời sống người dân, Quảng Nam cũng chú trọng công tác xây dựng các giải pháp, mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn.
Tại huyện đặc biệt nghèo Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, với gần 71% và trên 2% hộ cận nghèo. Những năm qua huyện đã triển khai chương trình "Ba kèm một", phân công 3 cán bộ để giúp đỡ một hộ dân thoát nghèo. Theo đó, cuối năm 2017, giao cho 90 đơn vị (bao gồm các cơ quan của huyện và cán bộ công chức, viên chức, giáo viên của 10 xã) giúp 518 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo. Năm 2018 tiếp tục phân công cho các đơn vị nhận giúp 513 hộ nghèo và 41 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo. Huyện còn giao cho Đoàn Thanh niên thành lập “Đoàn xung kích giúp nghèo” của huyện gồm 50 thanh niên; mỗi xã thành lập 1 “Đội xung kích giúp nghèo” gồm 10 thanh niên. Trong những ngày nghỉ cuối tuần các thành viên đến với bà con vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn giúp đỡ và hướng dẫn cách thức làm ăn để thoát nghèo.
Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần hạ thấp tỷ lệ nghèo và nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân địa phương. Cuối năm 2016, toàn huyện có 4.409 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 64,40% tổng số hộ dân cư và 105 hộ cận nghèo, chiếm 1,53% tổng số hộ dân cư. Đến cuối năm 2017 số hộ nghèo còn 3.887 hộ chiếm tỷ lệ 56 % tổng số hộ dân cư, giảm 8,5% so với năm 2016; số hộ cận nghèo giảm từ 105 hộ còn 59 hộ, chiếm 1% tổng số hộ dân cư.
Trên địa bàn Quảng Nam còn nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo, cách làm hay và hiệu quả như: Mô hình nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội để đảm bảo mức sống trung bình của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tại Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ; mô hình cán bộ, đảng viên đồng hành với hộ nghèo của Bắc Trà My; mô hình kết nghĩa, giúp đỡ xã nghèo, thôn nghèo miền núi…
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, thực hiện hỗ trợ có điều kiện hộ nghèo khi đăng ký thoát nghèo bền vững gắn với thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, tự giác vươn lên của hộ nghèo, địa phương nghèo, địa phương có tỷ lệ nghèo cao trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình, chính sách giảm nghèo gắn với chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh; đa dạng sinh kế cũng như cải thiện các chỉ số thiếu hụt của các chiều cho hộ nghèo, cận nghèo có đăng ký thoát nghèo bền vững.
Căn cứ vào kết quả thẩm tra và tổ chức vận động đăng ký thoát nghèo bền vững tại cơ sở, Quảng Nam sẽ giao chỉ tiêu giảm nghèo theo số lượng hộ nghèo hằng năm, không giao chỉ tiêu theo tỷ lệ % tránh tình trạng giảm ảo và khi hỗ trợ thiếu trọng tâm. Với cách làm thiết thực địa phương đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
M. Tuấn - Bích Thủy -Văn Minh