Theo các nhà khoa học Mỹ Trường ĐH Darmouth nghiên cứu của họ chỉ ra rằng khỉ có thể phát và thu những tín hiệu siêu âm. Đây là lần đầu tiên người ta phát hiện ở loài linh trưởng khả năng này.

Loài khỉ lùn Philipin giao tiếp với nhau bằng các tín hiệu siêu âm.
Như ta đã biết, giác quan của con người không cảm nhận được siêu âm, nhưng chính nó lại là phương tiện để nhiều loai vật giao tiếp với nhau, ví dụ điển hình là dơi và cá heo. Và nay, thêm cả khỉ.

Trong công trình nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã theo dõi con lười Philipin (còn gọi là con culi, một loại khỉ nhỏ sống trên cây) và thấy chúng có thể nhận âm thanh với tần số 91 kilohertz (KHz) trong khi ngưỡng cảm nhận ở người chỉ là 20 kHz và phát ra những âm thanh có tần số thường ở 70 kHz, tối đa 90 kHz. Những âm thanh đó là siêu âm.

Như vậy, bằng cách phát và thu siêu âm, con lười có thể “nói chuyện” với nhau mà nhiều loại vật khác không nghe thấy được.

Chính việc nghiên cứu những con lười Philipin đã gợi ý cho các nhà khoa học lưu ý đến sự khác biệt lớn giữa các loài ở chỗ, có loài rất hay “ba hoa”, nói liên miên nhưng có loài như con lười Philipin chẳng hạn lại rất ít nói, mà những gì chúng dùng để chuyện trò với nhau, con người lại không nghe được.

Các nhà khoa học cho rằng chính nhờ những tín hiệu siêu âm, khỉ có thể báo trước cho đồng loại trong đàn những mối nguy hiểm vì tần số những tín hiệu của chúng các loài thú săn mồi trong rừng không nghe thấy được.

Bảo Châu