- Người tiêu dùng đang khủng hoảng lòng tin về an toàn thực phẩm. Có dán nhãn an toàn thì họ cũng không tin. Nếu không mạnh tay loại bỏ được hàng giả, hàng độc thì các DN, hộ sản xuất an toàn khó có đất sống.
>> Đối mặt ẩn họa từ thực phẩm độc
VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn về an toàn thực phẩm với ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bộ NN&PTNT; bà Trần Việt Nga, Cục phó Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế; ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lí thị trường, Bộ Công thương và ông David Whitehead, Phó Chủ tịch HĐQT Liên doanh thực phẩm Mavin.
Truyền thông thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm
Nhà báo Việt Lâm: Ông David Whitehead đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm của các nước phát triển, đó là luật lệ chặt chẽ và thực thi nghiêm minh, chế tài đủ sức mạnh răn đe. Liệu ở VN có khả thi hay không, nhất là xét trong bối cảnh văn hóa ẩm thực đường phố rất phổ biến ở VN hiện nay?
Ông Đỗ Thanh Lam: Từ chia sẻ của ông David, tôi thấy có mấy vấn đề chúng ta cần quan tâm. Thứ nhất là làm sao khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại, đồng ruộng tới bàn ăn. Hai là, cơ chế chính sách thế nào để đảm bảo được chế tài xử lý đủ sức răn đe.
Thực ra, mô hình sản xuất kinh doanh ở VN có những đặc thù khác hẳn các nước khác. Các nước phát triển thường tổ chức sản xuất theo trang trại quy mô rất lớn. Ở ta mới chỉ có một số trang trại lớn, còn lại phần nhiều là các hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm từ trang trại, đồng ruộng đến bàn ăn gặp phải những thách thức rất đau đầu với các cơ quan quản lý.
Việc trước mắt đặt ra rõ ràng là rà soát, bổ sung quy trình canh tác để có thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, đồng thời sửa đổi, hoàn thiện cơ chế khuyến khích sản xuất thực phẩm an toàn.
Về các chế tài xử phạt vi phạm hiện nay trong vệ sinh an toàn thực phẩm tôi cho rằng đã đủ sức răn đe. Mặc dù vậy, vì lợi nhuận, vẫn có không ít đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi và liên tục thay đổi. Bởi vậy, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là thường xuyên rà soát, bổ sung để kpj thời phát hiện được các thủ đoạn mới này.
|
Ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục QLTT Bộ Công thương và bà Trần Việt Nga, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bà Trần Việt Nga: Tôi muốn bổ sung thêm ý kiến của anh Lam. Hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm của VN hiện tương đối hoàn chỉnh, cao nhất là Luật an toàn thực phẩm. Lần đầu tiên, VN cũng có riêng một nghị định (NĐ178) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tối đa là 200 triệu đối với tổ chức và 100 triệu với cá nhân. Đặc biệt là khi mức xử phạt chưa tương ứng với hành vi vi phạm thì Luật cho phép xử phạt tối đa 7 lần giá trị của hàng hóa vi phạm.
Đối với nhà hàng, thức ăn đường phố, Bộ Y tế cũng đưa ra các quy định cụ thể như Úc. Ví dụ, điều kiện vệ sinh trong nhà hàng phải như thế nào, trong quá trình chế biến thực phẩm phải đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ…Nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm.
Qua khảo sát đánh giá của chúng tôi những năm qua, người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh đã có nhận thức tốt hơn về thực phẩm an toàn. Nhưng từ nhận thức đến thay đổi hành vi là cả một quãng đường dài. Chưa kể, có những trường hợp mà vì lợi nhuận, người ta vẫn bất chấp.
Tôi cho rằng hơn ai hết, chính người tiêu dùng phải đòi hỏi khắt khe hơn. Ví dụ, phải yêu cầu thực phẩm được bán ở những nơi như thế nào, chế biến, bảo quản ra sao thì người ta mới mua. Nếu người tiêu dùng tẩy chay những cửa hàng ăn uống tại những nơi bẩn thỉu, không có dụng cụ che đậy thì không ai có thể bán được thực phẩm mất vệ sinh nữa. Một trong những ưu tiên sắp tới của Bộ Y tế, cũng như Bộ Nông nghiệp và Công thương sẽ là truyền thông để thay đổi hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh.
Bởi nếu chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra thì không thể xuể được trong bối cảnh mô hình sản xuất kinh doanh ở VN còn rất nhỏ lẻ như hiện nay. Lực lượng thanh kiểm tra của VN còn tương đối mỏng, khó có thể triển khai được đến tất cả các nhà hàng như ở các nước phát triển. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ mô hình riêng với thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.
Rút giấy phép, truy tố tổ chức cá nhân vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Như Tiệp: Tôi cho rằng, vấn đề thực phẩm an toàn giống như hai bàn tay vỗ vào nhau vậy. Bên tay phải là thể chế quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm, còn bên tay trái phải là môi trường cho những người sản xuất kinh doanh có động lực sản xuất an toàn. Nếu không có động lực kinh tế thì nói chuyện ý thức trách nhiệm rất khó.
Phải nhìn nhận một thực tế là cơ chế tạo động lực sản xuất an toàn ở VN còn rất thiếu, nên các cơ sở ứng dụng nông nghiệp tốt, hệ thống quản lý tiên tiến hiện tại còn rất manh mún. Bộ Nông nghiệp chủ trương thời gian tới tập trung nguồn lực vào xây dựng các chính sách để người nông dân, người sản xuất kinh doanh có động lực sản xuất thực phẩm an toàn. Bởi nếu ngay từ đầu ra sản phẩm đã không an toàn thì có kiểm tra nó vẫn không an toàn.
Về phần hệ thống pháp luật cũng chưa hẳn đã hoàn thiện. Ví dụ, đang tồn tại một số điểm vênh giữa Luật an toàn thực phẩm với các luật khác. Tôi đã đi nhiều nước và nhận thấy, chẳng hạn ở Úc quê hương của ông David đây, một doanh nhân muốn mở nhà hàng hay cơ sở chế biến thực phẩm nếu chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì đừng hòng được mở cơ sở kinh doanh. Nhưng ở VN thì họ được cấp giấy đăng ký kinh doanh trước, rồi mới kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm. Hay là hiện nay chúng ta cũng chưa có điều khoản nào nói rằng khi nhà hàng, cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Đấy là nói về thể chế, còn về phần thực thi, trong điều kiện nguồn lực hạn chế thì đổi mới phương thức có thể giúp phần nào nâng cao hiệu quả giám sát. Lấy câu chuyện từ ngay Bộ Nông nghiệp. Do 70% sản phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu, mà các nước nhập khẩu đều yêu cầu rất khắt khe nên chúng tôi phải xây dựng một hệ thống kiểm tra giám sát tương đồng với quy định của EU, Mỹ, Nhật, Úc. Tức là thống kê tất cả các DN trên từng địa bàn, kiểm tra, phân loại các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các DN này. Từ đó tập trung nguồn lực giám sát kiểm tra những cơ sở chưa đảm bảo đủ điều kiện. Mặt khác, chúng tôi tổ chức những chương trình giám sát để xác định sản phẩm nguy cơ cao và công đoạn nguy cơ cao để tập trung nguồn lực thanh tra.
Chế tài xử phạt hành chính khá nghiêm nhưng đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng chưa đến mức chết người thì lại rất khó áp dụng những điều luật của BLHS để truy tố những cá nhân tổ chức không đảm bảo an toàn. Hiện các bộ cũng đang nghiên cứu để có thông tư liên tịch hướng dẫn các điều luật để truy tố cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm. Chứ nếu chỉ xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe.
|
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bộ NN&PTNT: Phải tạo được động lực cho các DN và hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Động lực nào để DN sản xuất thực phẩm an toàn?
Việt Lâm: Ông Tiệp cho rằng cơ chế tạo động lực cho các DN, hộ gia đình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn quan trọng không kém việc hoàn thiện thể chế giám sát, thực thi. Từ trải nghiệm cá nhân, ông David thấy việc theo đuổi mô hình chuỗi giá trị sạch từ nguồn gặp phải những khó khăn gì?
Ông David Whitehead: Chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại VN 10 năm nay theo mô hình khép kín từ nông trại tới bàn ăn. Phải nói rằng, chúng tôi đã nhận được những hỗ trợ tích cực từ chính quyền trong việc xin cấp phép đầu tư và các thủ tục cần thiết khác. Tuy nhiên, một cơ chế ưu đãi cụ thể hơn về vốn, thuế sẽ tạo động lực tốt hơn cho các DN sản xuất sạch.
Tôi nghĩ rằng, thách thức mà cá nhân DN của tôi gặp phải, cũng như của bất kỳ DN, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn nào lại đến từ sự cạnh tranh không công bằng. Ý của tôi là có nhiều nhà sản xuất không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nhưng giá thành của họ lại thấp hơn nhiều. Sản phẩm của họ nhờ giá rẻ mà tràn lan trên thị trường. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là cuộc tấn công của hàng giả. Chính phủ VN cần mạnh tay loại bỏ được các DN làm hàng giả, hàng kém chất lượng và độc hại cho người dân. Chỉ như thế, các DN sản xuất an toàn mới có đất sống.
|
Ông David Whitehead, Phó Chủ tịch HĐQT Liên doanh thực phẩm Mavin: Chỉ khi dẹp được nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, DN sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn mới có đất sống tốt. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông Nguyễn Như Tiệp: Câu chuyện mà ông David chia sẻ thực ra liên quan đến vấn đề lớn hơn là lòng tin. Tôi không cho rằng chúng ta đang có khủng hoảng về an toàn thực phẩm, nhưng chúng ta đang có khủng hoảng lòng tin người tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Cứ ra chợ mà bảo thực phẩm an toàn thì không ai tin, bởi không có cách nào phân biệt thịt sạch hay thịt bẩn. Cho nên vấn đề đặt ra là phải có dấu hiệu nhận diện để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Câu chuyện tạo động lực sản xuất chuỗi an toàn ở VN đang ngày càng cấp bách hơn bởi có chuỗi mới nhận diện được sản phẩm sản xuất từ đâu, sơ chế ở đâu, có chứng nhận an toàn. Như vậy người dân mới tin. Việc sản xuất theo chuỗi ở VN càng quan trọng hơn còn vì ở ta chủ yếu vẫn theo mô hình sản xuất nhỏ lẻ, rồi đến chỗ sơ chế, chế biến cũng nhỏ lẻ, bày bán ở những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Để triển khai các chuỗi này, Bộ áp dụng 4 tiêu chí. Một là đối với quy mô nhỏ lẻ thì phải có liên kết ngang để tạo ra một lượng hàng hóa nhất định. Như vậy mới đủ dấu hiệu nhận diện. Sau đó là liên kết giữa người sản xuất với các nhà chế biến và phân phối. Thứ hai là từng công đoạn phải có thực hành sản xuất tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm và có chứng nhận của nhà nước hoặc bên thứ ba. Ba là, hàng hóa phải có dấu hiệu nhận diện. Bốn là xây dựng, quảng bá thương hiệu. Hai năm vừa qua, chún tôi đã triển khai được 28 chuỗi như vậy ở 21 tỉnh nhưng nhân rộng ra đang gặp nhiều khó khăn. Bộ đang tổng kết mô hình này để đề xuất với Chính phủ một nghị định riêng về cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển các chuỗi an toàn này. Nếu không làm thế thì cho dù có giảm được mức vi phạm xuống thì người tiêu dùng vẫn cứ không tin sản phẩm của chúng ta an toàn.
-
VietNamNet