Chiều 21/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường đã có bài phát biểu về tăng trưởng xanh tại ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tại ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

Ông Robert Hormats nói, phần lớn trong thế kỷ 20, các chính phủ và doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc phân bổ và tối ưu hóa lao động và nguồn vốn cho tăng trưởng. Họ cho rằng tài nguyên tự nhiên và môi trường rất phong phú nên có thể coi là hàng hóa “miễn phí”.

 

Thứ trưởng Mỹ đưa ra con số: “Theo logic này, ước tính 1/3 đa dạng sinh học của thế giới đã mất đi kể từ năm 1970, ¾ ngư trường bị khai thác triệt để hoặc kiệt quệ và 2/5 rừng nguyên sinh của hành tinh đã không còn”. Theo ông, cần xem xét lại chiến lược tiến phía trước vì lợi ích của hành tinh và vì sự thành công tiếp tục của các nền kinh tế.

 

Ông khẳng định: “Tiến tới một nền kinh tế xanh không có nghĩa là phải hy sinh tăng trưởng hay tạo ra ít công ăn việc làm. Chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh là cơ hội để các doanh nghiệp và chính phủ thực hiện sự trách nhiệm hơn với người dân, với hành tinh và ngân sách”.

 

Ông Hormats đưa ra một số ví dụ về việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt cơ hội để cải thiện lợi nhuận thông qua hoạt động thân thiện với môi trường. Ông nhấn mạnh, chính phủ, ngoài vai trò thúc đẩy lĩnh vực tư nhân thông qua các biện pháp tăng cường bảo vệ môi trường, cần tự mình có trách nhiệm ‘làm gương’.

 

Thứ trưởng Mỹ cho hay: “Thông qua Sáng kiến Ngoại giao Xanh của Bộ Ngoại giao Mỹ, chúng tôi đã giảm tiêu dùng năng lượng bằng cách củng cố các nền tảng công nghệ thông tin, giảm chi phí nhiên liệu bằng việc gia tăng số lượng xe dùng nhiên liệu thay thế, cải thiện hiệu suất tổng thể của các tòa nhà. Như vậy, ước tính 45% năng lượng được cung cấp cho các cơ sở của Bộ sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo”.

 

Khẳng định vai trò ‘làm gương’ của chính phủ trong tăng trưởng xanh, ông Hormats nói: “Cũng như lĩnh vực tư nhân, chính phủ Mỹ đơn giản là không thể lãng phí năng lượng”.

 

Thứ trưởng Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đã có một số bước tiến đầy hứa hẹn để khuyến khích và thông qua các hoạt động đảm bảo phát triển bền vững như tham gia cùng Mỹ, Campuchia, Lào và Thái Lan trong Sáng kiến Hạ nguồn Mekong; hay dự án thí điểm “Dịch vụ chi trả môi trường rừng” với sự hỗ trợ của Mỹ góp phần bảo vệ rừng, môi trường, nguồn nước, chống biến đổi khí hậu và đem lại lợi ích thiết thực cho người bảo vệ rừng…

 

Ông kết luận: “Cách hành xử của chúng ta - hoặc đầu hàng cuộc cạnh tranh có tổng bằng 0 với các nguồn tài nguyên ngày một hạn chế, hoặc hợp tác với nhau để xây dựng các nền kinh tế xanh - sẽ xác định phần lớn an ninh và thịnh vượng của Mỹ, Việt Nam cũng như thế giới trong thế kỷ 21”.

 

Thái An