Trung Quốc phải tăng cường các khả năng quân sự để giành thắng lợi trong “các cuộc chiến tranh cục bộ”, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói.
Trung Quốc đã đạt được giấc mơ tàu sân bay. Ảnh: Guardian
Tuyên bố của ông Ôn tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội được đưa ra vào thời điểm Bắc Kinh ngày càng quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở châu Á.
Bắc Kinh khẳng định chủ quyền hầu như bao trùm Biển Đông, vùng biển mà nhiều nước láng giềng nhỏ hơn cũng tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực đảm bảo an ninh các lộ trình cung cấp và những tuyến đường mới vận chuyển nguyên liệu thô phục vụ nền kinh tế không ngừng tăng trưởng.
Lời khẳng định của ông Ôn xuất hiện một ngày sau khi chính phủ Trung Quốc thông báo chi tiêu quân sự sẽ đạt 100 tỉ USD trong năm nay - tăng 11,2% so với năm ngoái. “Chúng ta sẽ tăng cường khả năng của các lực lượng vũ trang để phù hợp với hàng loạt nhiệm vụ quân sự đặt ra, quan trọng nhất là giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh cục bộ ở kỷ nguyên thông tin”, ông Ôn nói trong bài phát biểu trước quốc hội Trung Quốc.
Tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với các nước bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á lên cao vài năm gần đây. Nhiều quốc gia đã chỉ trích cách hành xử gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề này.
Quốc gia khổng lồ châu Á có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và ngân sách quốc phòng luôn đạt hai con số mỗi năm trong suốt thập niên qua, đồng thời không ngừng thúc đẩy những kế hoạch mở rộng sức mạnh quân sự trong khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc có thể lớn gấp đôi con số công bố, với chi tiêu cho việc hiện đại hóa quân đội không bao gồm trong ngân sách đưa ra.
Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ vệ tinh và chiến tranh ảo trong vài năm gần đây, đồng thời đầu tư mạnh vào các vũ khí hiện đại. Nước này đã thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên, con tàu hải quân của Liên Xô đã chạy thử lần đầu trên biển vào tháng 8.
Tuy nhiên, công nghệ quân sự của Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ. Ông Ôn nói rằng, mục tiêu của Bắc Kinh là “nâng cao các khả năng để đổi mới khoa học công nghệ liên quan tới quốc phòng cũng như trong sản xuất vũ khí, phát triển trang thiết bị. Chúng ta sẽ tiến hành mạnh mẽ việc đào tạo quân đội trong các điều kiện của kỷ nguyên thông tin”.
Bên cạnh việc nâng cấp các vũ khí thông thường, tiến trình cải tổ quân đội của Trung Quốc còn thể hiện ở sự phát triển nhanh chóng chương trình không gian và kết quả là vụ thử nghiệm vũ khí phá hủy vệ tinh năm 2007.
Lại cảnh báo lợi ích cốt lõi với Mỹ
Tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã kêu gọi Mỹ hành xử thận trọng trong những vấn đề liên quan tới các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nhằm xây dựng lòng tin và tránh xung đột.
"Đặc biệt, phía Mỹ cần tôn trọng các cam kết của mình, xử lý đúng cách và thận trọng các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng là những lợi ích cốt lõi mà Trung Quốc quan tâm”, ông Dương nhấn mạnh. Ông cũng cho hay, Trung Quốc và Mỹ đã “trao đổi gần gũi” về các vấn đề Syria và Iran.
Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố, nước này phản đối phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân của bất kỳ quốc gia nào tại Trung Đông, bao gồm Iran. "Đồng thời, các nước đều có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình. Vấn đề hạt nhân Iran cần được giải quyết thông qua hội đàm, chứ không đối đầu, thông qua hợp tác chứ không trừng phạt”, ông Dương cho biết. "Chúng tôi phản đối việc trừng phạt đơn phương và tin rằng đa số trên thế giới nhất trí với điều này”.
Về quan hệ Trung - Mỹ, ông Dương nói rằng, mặc dù có một số khác biệt và bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington, "nhưng về tổng thể quan hệ Trung - Mỹ đang tiến về phía trước, chứ không lùi lại”.
Năm nay, Tổng thống Mỹ Obama và các quan chức quốc phòng hàng đầu nước này đã công bố chiến lược mới của Mỹ tập trung mạnh vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng khu vực này lại chứa đựng nhiều điểm nóng có nguy cơ bùng nổ và Washington nhận định có ảnh hưởng quan trọng tới các lợi ích Mỹ.
Chiến lược mới kêu gọi Mỹ “tăng cường sức nặng tổ chức, tập trung vào việc thúc đẩy hiện diện, phô diễn sức mạnh và răn đe ở châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có coi sự thay đổi chiến lược của Mỹ là mối đe dọa, Ngoại trưởng Trung Quốc trả lời: “Hai bên nên xem xét quan hệ song phương từ một quan điểm chiến lược lâu dài... Trung Quốc và Mỹ có sự hội tụ lợi ích tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi hy vọng và chào đón vai trò xây dựng của Mỹ trong khu vực. Đồng thời, chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ tôn trọng các lợi ích và mối quan tâm của Trung Quốc”.
Thái An (tổng hợp)