Ngay khi Việt Nam triển khai đề án số hóa truyền hình, các chuyên gia đã dự báo sẽ tạo ra một thị trường đầu thu truyền hình số DVB-T2 cực lớn, có thể lên đến 20 triệu đầu thu trong 5 năm, từ 2015 đến 2020. Theo quy định của Bộ TT&TT, những sản phẩm đầu thu số DVB-T2 phải được kiểm định kỹ thuật và thực hiện công bố hợp quy mới đủ điều kiện lưu thông tại thị trường Việt Nam.

Tính đến nay, số lượng đầu thu số DVB-T2 đăng ký thủ tục công bố hợp quy lên đến gần 50 model trong đó có khoảng 20 model đã được bán ra thị trường. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, các loại đầu thu truyền hình số đang bán ngoài thị trường có sự chênh lệch rất lớn về chất lượng. Mặc dù các sản phẩm đều thực hiện công bố hợp quy nhưng khi kiểm định cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra độ nhiễu, chất lượng tín hiệu thu. Còn các tiêu chí khác như độ bền sản phẩm, cả phần linh kiện bên trong, vỏ hộp bên ngoài hay khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nóng ẩm ở nước ta như thế nào thì chưa có trong quy định.

Vì thế, hiện tại có nhiều sản phẩm đã thực hiện công bố hợp quy rồi nhưng chất lượng sản phẩm rất kém. Có một số doanh nghiệp đã hạ giá thành bằng cách dùng vỏ nhựa tái sinh, các loại linh kiện, giắc cắm rẻ tiền… Với điều kiện thời tiết nóng ẩm như nước ta, vỏ nhựa tái sinh nếu bà con cắm điện liên tục, đầu thu lại được xếp gần những thiết bị điện khác như tivi, loa cũng tỏa nhiệt suốt ngày thì độ bền sẽ rất kém.

“Có khi chỉ một năm sau là đầu giắc cắm sẽ đi ra khỏi vỏ. Nếu người dân mua phải các sản phẩm kém chất lượng như vậy sẽ phải chịu tổn thất trong một thời gian ngắn. Vấn đề quản lý chất lượng đầu thu DVB-T2 vô cùng khó”, ông Hoan nói.

Do chênh lệch về chất lượng nên giá cả các loại đầu thu cũng vênh nhau khá lớn. Khảo sát của ICTnews trên thị trường đầu thu DVB-T2 cho thấy, cùng là hàng chính hãng nhưng giá cả đầu thu chênh nhau tới gần hai lần. Những loại đầu thu giá thấp nhất khoảng 480.000 đồng, còn giá cao nhất thuộc về hai sản phẩm của VNPT Technology và GBS có giá niêm yết 890.000 đồng.

Tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai số hóa truyền hình tại 4 TP lớn và các tỉnh lân cận sáng 8/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho hay, trong cuộc họp với UBND TP Cần Thơ mới đây, chính quyền và các doanh nghiệp đã đề nghị Bộ TT&TT phải có biện pháp quản lý chặt chất lượng đầu thu. Thị trường đầu thu số DVB-T2 đang được bán rất tràn lan, sản phẩm có công bố hợp quy được bán lẫn lộn với sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông làm việc với Cục Quản lý thị trường, các Sở TT&TT tại những tỉnh thành chịu ảnh hưởng bởi số hóa truyền hình trong thời gian tới. Phải phối hợp với lực lượng liên ngành ở các tỉnh để lên phương án về việc kiểm soát thị trường đầu thu.

Tại thời điểm chuẩn bị tắt sóng thì đầu thu không nguồn gốc sẽ đổ về rất nhiều do nhu cầu thị trường tăng lên. Khi tắt sóng người dân đổ xô đi mua đầu thu số DVB-T2, nếu mua nhầm phải hàng kém chất lượng, về sử dụng nếu có trục trặc người dân phải chịu thiệt. Do đó, tốt nhất là Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông phải làm việc với Cục Quản lý Thị trường phối hợp chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở địa phương cùng với Sở TT&TT để kiểm tra, kiểm soát những địa điểm, cửa hàng bán đầu thu trên thị trường.  

Tuy nhiên, bên cạnh việc cơ quan chức năng siết chặt việc kiểm soát chất lượng đầu thu thì công tác thông tin, tuyên truyền về đợt tắt sóng tiếp theo cần được tăng cường. Ông Hoan cho rằng, các cơ quan chức năng tại 23 tỉnh, thành phố phải tuyên truyền mạnh để người dân nắm được thông tin chủ động chuyển đổi, mua sắm đầu thu trước ngày tắt sóng, tránh tình trạng những ngày cuối trước giờ tắt sóng mới đổ xô đi mua đầu thu.

Ngày 1/7/2015, khi tắt sóng truyền hình số ở Đà Nẵng, người dân ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã đổ xô đi mua đầu thu số dẫn đến tình trạng cháy hàng, đầu thu bị tăng giá, dân phải trả giá cao cũng không có đầu thu để mua.