Những Cánh buồm đỏ thắm, Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn... là kho vàng mười nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ nay trẻ Việt Nam và nay nó đã trở lại với diện mạo mới. Đó là lý do mà NXB Kim Đồng tổ chức buổi tọa đàm "Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm".

Văn học Nga, hay theo cách gọi trước đây là Văn học Nga - Xô Viết, chỉ cần nhắc lại cụm từ này thôi là bao kí ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt. Không biết đã có ai đặt câu hỏi, văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ ra sao nếu thiếu đi các tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương, với những ảnh hưởng của nó lên nhiều lớp nhà văn và độc giả Việt Nam.

Những tác phẩm bất hủ của văn học Nga như "Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn"; "Vichia Maleev ở nhà và ở trường"; "Chiếc chìa khoá vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino"... từng gắn liền với bao thế hệ độc giả Việt Nam.

{keywords}


Có mặt tại buổi tọa đàm, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết, buổi tọa đàm này là nơi để các diễn giả, nhà phê bình, lý luận văn học chia sẻ những ký ức về thời kỳ văn học Nga bùng nổ ở Việt Nam để bạn đọc hiểu hơn dòng văn học này đã ảnh hưởng như thế nào đến lớp lớp độc trước đây và đương đại.

Dịch giả Hoàng Thuý Toàn - đại diện dịch giả văn học Nga đầu tiên cảm thấy tiếc nuối khi những người như dịch giả Trần Khuyến, Thuỵ Tiêu... là những người đặt nền móng cho việc dịch văn học Nga đã không còn có thể có mặt. Dịch giả Thuý Toàn cho rằng lý do sức sống của nền văn học Nga vẫn còn mãi với độc giả Việt Nam đó là dòng văn học này đã khơi dậy, quan tâm đặc biệt tới nhân vật trong sách. Một nền văn học quan tâm đào tạo thế hệ người đọc từ bé ngay từ những trang sách mà cho tới tận bây giờ Việt Nam cần phải khai thác.

Còn nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi thì nhận định văn học Nga là "kho vàng mười" mà chúng ta chưa thể khai thác hết được, có những bài ca đi cùng năm tháng thì cũng có những cuốn sách theo ta suốt cuộc đời. "Sách văn học Nga mà tôi tìm đọc liên quan tới những từng tiến triển trong gia đình tôi. Chẳng hạn khi cháu tôi học cấp 2, lúc đó, ở tuổi đó, các em đã có những xung đột với cô giáo. Tôi đi lùng tìm bằng được cuốn Vichia Maleev ở nhà và ở trường cho cháu đọc. Biết bao nhiêu cậu bé, cô bé ở nước ta đã lớn lên thành người với những cuốn sách gối đầu giường dạy cho họ biết sống thẳng ngay, biết đường thương yêu, biết đường căm ghét, biết vươn tới những lý tưởng nhân văn cao cả".

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cho rằng việc NXB Kim Đồng ra mắt bộ sách mới "Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc" gồm các tựa sách từng gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh thiếu niên Việt Nam là điều đáng mừng. Bởi theo ông, văn học thiếu nhi bây giờ không thiếu những đầu sách ma quái, siêu nhân, người hùng bạo lực và truyện những vụ án ly kỳ, nhan nhản chi tiết tàn bạo và khiêu dâm.

Đồng tình với quan điểm đó, nhà nghiên cứu phê bình văn học PGS TS Đào Tuấn Ảnh - người gắn bó cả đời với tác phẩm văn học Nga bày tỏ khôi phục lại những tác phẩm văn học Nga này sẽ giúp chúng ta giành lại con cháu mình từ ipad, điện tử,...

Đánh giá về sự trở lại của những tác phẩm này, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (người dịch tiếng Nga với bút danh Ngân Xuyên) cho rằng cần phải cảm ơn đơn vị xuất bản, bởi đã chọn những bản dịch tốt, trình bày đẹp đưa tới độc giả hôm nay. "Liên Xô không còn nhưng những tác phẩm văn học vốn là những giá trị nhân bản của con người thì vẫn luôn tồn tại", ông Phạm Xuân Nguyên.

 T.Lê