'Cá nhân tôi đọc thì thấy đa số những "bài thơ" trong 'Quà cho con' mới chỉ nôm na văn vần, nhiều chỗ bí từ, bí vần, ép vận nên càng nôm na và hơi... buồn cười'.
Xung quanh dư luận về cuốn thơ dạy kỹ năng sống 'Quà cho con' với giá bản quyền cao kỷ lục, VietNamNet đăng tải bài viết của Nhà thơ Hữu Việt để góp một góc nhìn về tập thơ nhiều tranh cãi này.
Nhà thơ Hữu Việt nói về "Quà cho con". |
Thật ra, tôi cũng như nhiều người mà chúng tôi trò chuyện không có ý kiến gì về mong muốn, mục đích, ý nghĩa của tập sách 'Quà cho con' cũng như tấm lòng của tác giả dành cho con trẻ. Cá nhân tôi cũng không muốn nói đến giá trị nghệ thuật, “thơ hay không thơ” của tập sách này, đặc biệt khi tác giả là người mới viết. Thời buổi này, có thêm một người yêu thơ và làm thơ thì đáng hoan nghênh quá đi chứ!
Nhưng điều đáng nói ở đây là, thông tin từ buổi ra mắt sách xuất hiện trên truyền thông và nội dung tập thơ (giá cũng khá đắt trong thể loại sách dành cho thiếu nhi – 89.000 đồng) tôi thấy có nhiều điểm “vênh” nhau.
Có thật “đây là tập thơ được giới chuyên môn và các nhà phê bình văn học đánh giá cao về khả năng giáo dục lối sống, khơi nguồn văn hóa đọc cho người lớn và trẻ nhỏ”. Giới chuyên nào và các nhà phê bình văn học nàođánh giá cao? Câu thơ, bài thơ nào lại có năng lực phi thường “giáo dục lối sống”, “khơi nguồn văn hóa đọc” cho tất cả mọi người vậy? Những gì tôi đọc được thì không thấy như thế!
Rồi: “là cuốn cẩm nang giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng sống bằng thơ đầu tiên ở Việt Nam”. Có thể là đầu tiên thật, nhưng là cuốn cẩm nang thì tôi e là chưa chắc.
Tiếp theo là các thông tin về số lượng phát hành,giá trị hợp đồng chuyển nhượng tác quyền hơn nửa tỉ đồng, "dịch sang tiếng Anh để phát hành ra quốc tế", “Chưa bao giờ thị trường xuất bản Việt Nam có một cuốn sách độc đáo đến thế”... càng dễ khiến nhiều người ngộ nhận đây là tác phẩm văn chương có giá trị cao!
Cá nhân tôi đọc thì thấy đa số những "bài thơ" trong 'Quà cho con' mới chỉ nôm na văn vần, nhiều chỗ bí từ, bí vần, ép vận nên càng nôm na và hơi... buồn cười.
Ví dụ câu dưới đây tôi thật sự không hiểu dạy trẻ con kỹ năng sống gì để làm cẩm nang: “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể thủ đô tắc đường”.
Tuy nhiều đánh giá cho rằng thơ trong 'Quà cho con' nôm na, dễ hiểu, nhưng tôi thấy câu thơ thế này: "Chịu đựng, kiên nhẫn dựng xây/ Vượt qua khó nhọc sẽ đầy vinh quang..." lại vô cùng tối nghĩa và khó hiểu.
Cuối cùng, điều tôi khá lo ngại là với cách truyền thông như trên có thể khiến những người mới làm thơ và các bé có năng khiếu văn học đọc thơ, coi đây là những chuẩn mực văn chương, thì thật là nguy lắm! Có lẽ nên đặt đúng vị trí của cuốn sách như lời phi lộ của tác giả: Vần thơ mộc mạc nôm na/ Gom kĩ năng sống làm Quà cho con” thì thoả đáng.
Hữu Việt