- Chỉ với 250.000 đồng loại bình thường và 350.000 đồng loại VIP cùng một buổi đi thi là bạn đã có trong tay một bằng Giấy phép lái xe do Sở GTVT Hà Nội cấp.
Làm bằng lái xe máy dễ hơn đi chợ
Xuất phát từ nhu cầu của sinh viên nên dịch vụ làm bằng lái xe rất phát triển. Không quá khó khăn để tìm ra một địa chỉ nhận làm bằng lái xe máy ở trong các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Trên khoảng trống của các bức tường có đông người qua lại những tờ rơi có nội dung hấp dẫn kiểu như: Làm bằng lái xe máy vô thời hạn, làm sớm lấy bằng sớm hoặc làm bằng lái xe máy không cần học chỉ cần đi thi là đỗ… được dán chồng chéo, vô tư lên nhau. Thậm chí dịch vụ này còn được phát triển đến tận lớp học, phòng trọ của sinh viên ở trong kí túc xá.
Tờ rơi quảng cáo làm bằng xe máy dán tại các trường ĐH |
Để có được tấm bằng lái xe trong tay, người làm ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cơ bản là một chứng minh pho to và 6 ảnh 3x4 thì như lời cò quảng cáo 'không phải lo các thủ tục còn lại như giấy khám sức khỏe, đơn xin học bằng'.
Ngoài ra, còn có cơ hội được chọn lựa thoải mái giữa hai thể thức thi. Loại một là mức bình thường, nộp 250 nghìn đi học 1 buổi các mẹo làm bài sau đó đi thi. Loại hai là 'mức Vip' hay còn gọi là loại chống trượt không cần đi học chỉ cần vào phòng thì sẽ có người nhắc, lúc thi thực hành được chống chân thoải mái, thậm chí đi sai còn được đi lại luôn.
Chống trượt mà …. vẫn trượt đều
Với cách làm bằng lái xe như trên, một lượng lớn sinh viên đã tham gia thi nhưng rất nhiều người trong số đó đã phải dở khóc dở cười do kiểu cách làm ăn hời hợt của cò.
Mai Hương (ĐH Công nghiệp) là một trong số đó, dù đã có 2 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia giao thông nhưng Hương vẫn chưa có bằng lái xe. Vì thế sau khi sắp xếp được thời gian cô đã chủ động làm hồ sơ thi bằng theo một tờ rơi dán ngay trong trường.
Do người nhận làm bằng cũng là sinh viên trong trường nên Hương cũng không tìm hiểu nhiều mà rất yên tâm giao tiền và hồ sơ chờ ngày đi thi.
Kết quả là Hương đã nhanh chóng bị cò trở mặt sau khi cầm được tiền. Theo như lời giao hẹn giữa hai bên thì ngay cuối tuần đăng ký cô phải được thi luôn, nhưng sau một buổi học cấp tốc về kiến thức giao thông, Hương đã bị cò cho "leo cây".
Sáng chủ nhật đi từ bến xe Hà Đông đến điểm thi Văn Miếu theo đúng tin nhắn nhận được, nhưng đến nơi cô lại không thấy có tên mình trong danh sách. Gọi điện cho người nhận làm bằng hàng chục cuộc không có ai nghe máy, một lúc sau chỉ nhận được tin nhắn rất đơn giản: “Bạn chưa được thi hôm nay, bao giờ có lịch thi mình sẽ báo lại sau”.
Và chờ đợi đúng một tháng sau cô bạn này mới có lịch chuẩn đi thi, nhưng lại trùng với ngày thi học phần trên trường nên đành ngậm ngùi bỏ thi bằng lần một, chấp nhận thi lại lần hai nộp thêm 50.000 đồng nữa.
Tương tự kiểu như trên, Thúy Hạnh (HV Báo chí và tuyên truyền) vì mới biết đi xe nên khi làm bằng lái đã quyết định chọn mức thi VIP - không cần học gì cũng đỗ. Cũng vì tin tưởng đến ngày đi thi cô cứ ung dung đến địa điểm thi, nhưng không ngờ bị họ cung cấp sai địa chỉ đã phải chạy “hộc mặt” qua địa điểm thi mới.
Tất cả những người có hồ sơ VIP được thi trong một phòng thi cuối, do chủ quan có người nhắc nên Hạnh và hầu hết những người có mặt trong phòng thi đều không ôn gì, sau 10 phút hết giờ mới ngã ngửa ra mình bị lừa và đợi đợt sau thi lại.
Hầu hết, Thúy Hạnh cũng như các bạn sinh viên khác rơi vào trường hợp này đều tự nhủ một câu: “Đâm lao phải theo lao, bỏ thì phí tiền nên cố mà chịu đựng bao giờ có bằng hãy hay”.
Mặc dù bị thiệt nhưng Hạnh không nhận được một lời xin lỗi từ phía cò Phạm Thị T. mà còn phải chấp nhận xuống nước năn nỉ để nhanh chóng được thi lại cho sớm. Rút kinh nghiệm lần đầu, đến lần thứ hai cô bạn này đã phải đầu tư đi học lý thuyết để tự cứu mình.
Đến khâu nhận bằng cũng cực kì vất vả, người trả bằng cứ tùy hứng thích trả lúc nào cũng được, còn người đợi bằng thì cũng cố mà chờ.
Sau thời gian trong giấy hẹn 7 ngày, cô nàng nhắn tin cho cò T. hỏi bao giờ được lấy bằng thì không thể liên lạc được từ số chính của mình mà phải dùng số máy lạ cò mới nhấc máy. Kết quả cuối cùng mà cô nhận được là một tin nhắn rất “giang hồ” và đầy khiêu khích và vô trách nhiệm.
Hậm hực, Thúy Hạnh nói tiếp: “Thật là vừa tốn tiền, tốn công lại mất thời gian. Mình làm ăn sòng phẳng thế mà cứ như đi ăn xin, tức nhất là thái độ người làm bằng cũng trình độ đại học mà cứ như không ấy”.
Cũng có những sinh viên lại bị lừa mất hai lần tiền, đưa đầy đủ cho "cò bằng" đến lúc đi thi lại phải nộp thêm lần nữa, hay trong tờ rơi ghi không mất tiền mua tài liệu mà sẽ được cung cấp miễn phí thì khi đi học vẫn mất tiền mua như thường...
Trước khi các cơ quan chức năng có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ tình trạng làm giấy phép lái xe tràn lan thì các bạn sinh viên cần phải cẩn trọng với những tờ rơi hấp dẫn kiểu như trên tránh bị “tiền mất tật mang”.
Tiểu Phương