Nằm giữa lưng chừng đại ngàn Trường Sơn, cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khoảng 10 km về phía Đông và cách Thị trấn Mường Xén chừng 10 km về phía Tây là bản làng của người Thái Kháng thuộc bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
Người Thái Kháng rất coi trọng nghề dệt truyền thống. Từ khi còn là thiếu nữ, các em gái đã được các bà, các mẹ hướng dẫn để làm quen dần với việc quay tơ, dệt vải. Việc dệt vải đã gắn liền với những người phụ nữ nơi đây như một thói quen không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Kháng gồm có: Váy, áo, thắt lưng, khăn đội đầu, trong đó chiếc váy là bộ phận được trang trí cầu kỳ và mang nhiều nét văn hóa đặc sắc nhất. Chiếc váy thể hiện sự khéo léo của người thợ dệt. Từ những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày như: con gà, con ngựa, con dê, hay bông hoa, ngọn cỏ, mặt trời, bằng đôi bàn tay điêu luyện các chị đã dệt lên những bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.
Mấy năm gần đây, một số mặt hàng dệt thổ cẩm có xu hướng trở lại khẳng định vị trí của mình, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ miền núi, vùng cao. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi đang được khơi dậy và phát triển. Bà con lập thành Hợp tác xã Dệt thổ cẩm.
Tới nay, làng nghề dệt Noọng Dẻ có 96 hộ, trong đó có 47 hộ, với 79 người làm nghề, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm. Tuy thu nhập từ nghề chưa cao, nhưng đã phần nào giải quyết việc làm cho bà con các dân tộc và khôi phục, bảo tồn được nghề truyền thống.
Tay nghề của các chị ngày càng được nâng cao, có những cơ sở kinh doanh ở Hà Nội đưa nguyên liệu và bản thiết kế mẫu về tận nơi để thuê chị em dệt. Sản phẩm của bà con có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu của mình.
Từ đầu năm 2018 Craft Link đã phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ nữ Tỉnh Nghệ An trong chương trình tái hỗ trợ nhóm thông qua dự án ngắn hạn “Bảo tồn và gìn giữ nền văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Kháng thông qua việc khôi phục kỹ năng dệt vải truyền thống, đồng thời giúp cải thiện đời sống kinh tế bền vững cho người dân tại bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An”.
Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại huyện miền núi Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền núi phía tây Nghệ An nói chung, bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, của các cá nhân, tổ chức tâm huyết với nghề, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu; đồng thời có chính sách đồng bộ về đào tạo nghề, vốn đủ mạnh để động viên hỗ trợ bà con; năng động mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua ký gửi, trưng bày tại các khách sạn, đại lý, các kỳ hội chợ triển lãm ở các thành phố, các điểm du lịch...