- Nghị định 29 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lí viên chức tại các tỉnh thành được hiểu theo một cách khác nhau.
Theo khoản 2, điều 12 Nghị định số 29 của Chính phủ hướng dẫn về cách tính điểm nêu: “Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1”.
Trong khi đó, tại Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ngày 26/6/2006 nêu rõ: “Kết quả các học phần giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất và kết quả kỳ thi tốt nghiệp đối với các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh không tính vào điểm trung bình chung học tập của học kỳ, năm học hay khóa học. Việc đánh giá kết quả và điều kiện cấp chứng chỉ đối với các học phần này theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
Tuy nhiên, với việc nhiều đơn vị đào tạo lại ghi điểm số cụ thể đối với các môn khoa học này (không có học phần hay tín chỉ) đã vô tình “làm cái cớ” để nhiều đơn vị tuyển dụng áp đặt vào tính điểm tốt nghiệp…
Chưa hết, việc Nghị định 29 quy định “cứng” và không sát với thực tế đào tạo đã khiến cho nhiều ứng viên khốn khổ. Cụ thể, trong quy chế đào tạo ĐH chính quy của Bộ GD-ĐT đối với hình thức đào tạo niên chế (ban hành năm 2006) hay tín chỉ (ban hành năm 2007) thì ở phần công nhận tốt nghiệp chỉ có khái niệm làm đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp.
Việc Nghị định 29 đưa cụm từ “điểm bảo vệ luận văn” không khác gì là đánh đố ứng viên.
Hà Nội 'sáng tạo' cách tính điểm
Theo công văn số 2973 của Sở Nội vụ Hà Nội gửi các hội đồng tuyển dụng giáo viên thì: "Nghị định 29 không phân biệt môn điều kiện hay không điều kiện".
Do vậy, Sở này quy định cách tính điểm tốt nghiệp phải là trung bình cộng của 2 môn thi chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh (là 2 môn điều kiện để các sinh viên năm cuối được thi tốt nghiệp hay bảo vệ luận văn) và điểm bảo vệ khóa luận hoặc điểm bảo vệ luận văn (với người tốt nghiệp thạc sĩ).
|
Điểm tốt nghiệp của thí sinh tại Hoài Đức, Cầu Giấy trong kỳ tuyển dụng giáo viên 2015 đạt 100 điểm. |
Những thí sinh nào trong bảng điểm không ghi điểm của 2 môn này thì sẽ được quy vào "Bảng điểm không rõ ràng" và không tính điểm thi tốt nghiệp hay bảo vệ luận văn của thí sinh. Điểm của thí sinh sẽ tính và quy đổi theo bằng tốt nghiệp loại gì.
Chính cách tính điểm này đã khiến hầu hết các thi sính tốt nghiệp ĐH, CĐ chính quy có bằng giỏi bị thấp điểm hơn so với các thí sinh tốt nghiệp tại chức hoặc có bằng ĐH loại thấp hơn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietNamNet, tại một số hội đồng như Hoài Đức, Cầu Giấy có thí sinh tốt nghiệp ĐH như điểm tốt nghiệp trong kỳ tuyển dụng vẫn lên đến 100.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ thì chỉ có những thí sinh có bằng thạc sĩ (có luận văn) mới được tính điểm tốt nghiệp quy theo thang điểm 100. Những thí sinh là sinh viên ĐH, CĐ cần tính trung bình cộng điểm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp và 2 môn thi điều kiện.
"10 điểm bảo vệ khóa luận là bình thường. Nhưng tôi thì không tin ai đó có thể đạt được điểm 10 môn điều kiện là môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin" - một ứng viên thẳng thắn cho biết.
Mỗi tỉnh một cách hiểu khác nhau
Trong thông báo tuyển dụng của viên chức giáo dục năm 2015 của tỉnh Bắc Giang quy định: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các điểm thi tốt nghiệp (không tính môn điều kiện: Như môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh…; không tính theo số đơn vị học trình) hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.
Như vậy, cách hiểu này hoàn toàn trái ngược với cách áp dụng trong tuyển dụng giáo viên của Hà Nội.
Thông báo của Sở GD-ĐT Phú Thọ về tuyển dụng viên chức giáo viên, nhân viên 2014 quy định: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn (khóa luận tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp) của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1….
Cách hiểu này của Phú Thọ cũng khác Hà Nội khi không phân biệt điểm luận văn, khóa luận hay đồ án tốt nghiệp.
Một khác biệt nữa giữa 3 địa phương này đó là việc tính điểm với trường hợp học tín chỉ.
Tại Bắc Giang, trường hợp học tính chỉ thì điểm học tập cũng là điểm thi tốt nghiệp; căn cứ thang điểm 4 để quy đổi sang thang điểm 100 (cách quy đổi sang thang điểm 100 là lấy điểm trung bình thang điểm 4 nhân với 25). Nếu bảng điểm của người học tín chỉ đồng thời ghi thang điểm 10 và thang điểm 4 thì chỉ căn cứ thang điểm 4 để quy đổi.
Tại Phú Thọ, trường hợp dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp và được quy đổi theo thang điểm 100. Tuy nhiên, văn bản này lưu ý: Trườn hợp trong bảng điểm có cả điểm tính theo thang điểm 10 và điểm thang điểm 4 (tín chỉ). Hội đồng tuyển dụng sẽ tính điểm học tập theo thang 10. Nếu bảng điểm của thí sinh dự tuyển không có điểm trung bình chung, không có cơ sở để tính toán thì thí sinh phải liên hệ với cơ sở đào tạo đề nghị được cung cấp giấy xác nhận kết quả học tập để làm căn cứ theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Hiện Bộ Nội vụ đang xem xét để điều chỉnh, bổ sung Nghị định 29. Sau khi có dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định, Bộ sẽ công bố công khai để xin ý kiến đóng góp. Và trong khi chờ đợi chỉnh sửa bổ sung thì mỗi địa phương lại có một cách hiểu và thực hiện Nghị định 29 theo một cách khác nhau. |
- Văn Chung (vanchung.nguyen@vietnamnet.vn)