Cho phép công nhân viên tiêm 2 mũi vắc xin đi làm hằng ngày

Tại Hội nghị trực tuyến “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” sáng 20/9, đại diện Công ty Nidec Việt Nam kiến nghị, không phải đóng toàn bộ DN khi phát hiện bất kỳ trường hợp F0 nào tại dây chuyền sản xuất mà chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan.

Đại diện Công ty Nike Việt Nam, cũng mong muốn là không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện 1 ca F0 mà chỉ cần tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy. Nhân viên đã tiêm đủ liều vắc xin và có xét nghiệm âm tính thì được đi làm hàng ngày.

Công ty Samsung Thái Nguyên kiến nghị, cho phép công nhân viên đã tiêm 2 mũi vắc xin được di chuyển đi làm hằng ngày từ nhà (vùng xanh) tới công ty bằng hệ thống xe buýt do công ty bố trí.

{keywords}
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị

Trước băn khoăn của nhiều DN về việc phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, cụm từ “tuyệt đối an toàn” mà DN băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong DN; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.

Vì vậy, nếu DN tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hàng tuần và các bộ, ngành, cần hướng dẫn cụ thể việc này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm".

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, không nên cứng nhắc khi có F0 là đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động.

Để tạo điều kiện cho DN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, sẽ thực hiện thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia ngày càng nhanh, linh hoạt, rút gọn thông thoáng hơn.

Ví dụ như giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Việt Nam đã công nhận tạm thời đối với giấy chứng nhận tiêm vắc xin của trên 60 quốc gia. Hiện các bộ, ngành đang tính toán mở rộng đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, đang dự kiến là phải đảm bảo “5 xanh": Nhà máy xanh, công nhân, di chuyển xanh, nơi ở công nhân xanh và y tế tại chỗ của DN xanh.

DN là trung tâm, địa phương là đầu mối

Khẳng định tinh thần đồng hành và hỗ trợ DN hanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất trong trạng thái bình thường mới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, từ nay, Chính phủ sẽ duy trì họp hàng tháng với các bộ, ngành, địa phương, DN kết hợp với việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với DN.

{keywords}
 Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

"Điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các DN cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp kiểm soát F0. Trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các DN là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, các bộ ngành nêu cao vai trò điều tiết tổng thể, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Vì thế, “các địa phương cần sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với DN để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, có các hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tái sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh cơ chế hỗ trợ DN, Phó Thủ tướng một lần nữa nhắc lại: “DN là chủ thể, trung tâm đầu mối giải quyết là các địa phương. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sẽ sát cánh cùng các địa phương, doanh nghiệp”. 

Trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài), tăng khoảng 90 nghìn lao động so với cuối năm 2020.
Qua điều tra, khảo sát 500 tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, gần 50% DN bị tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.

Thu Hằng

Đề nghị BHYT trả phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động

Đề nghị BHYT trả phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động

Doanh nghiệp đề xuất giảm các mức phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; bảo hiểm y tế xem xét chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động.