- ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định nếu ĐB vững vàng về bản lĩnh thì không dễ gì bị lung lay trước sự lôi kéo hay cám dỗ, trước khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Phần 2 cuộc trò chuyện với ĐBQH Lê Thanh Vân xoay quanh những vấn đề mấu chốt nhất trong bỏ phiếu tín nhiệm.

Thước đo danh dự

Theo ông, có nên dành thời gian thỏa đáng để các vị bộ trưởng, trưởng ngành giải trình thêm về những chuyện nổi cộm, bức xúc mà xã hội quan tâm và để đại biểu chất vấn thêm hay không?

- Tuy trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm không có buổi nào để trao đổi thông tin trực tiếp, nhưng ĐBQH đều đã nhận được bản kiểm điểm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ của 49 vị. Nếu ĐBQH thắc mắc vấn đề gì sẽ có quyền yêu cầu giải trình thêm.

{keywords}
ĐBQH Lê Thanh Vân: Nếu vững vàng về bản lĩnh, anh sẽ không bị lung lay. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngoài ra, bản thân mỗi ĐBQH còn có thêm 2 công cụ nữa theo luật định, đó là quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan tổ chức cung cấp thông tin trong phạm vi chức trách và quyền chất vấn.

Tất nhiên, có một thực tế hiện nay là hai quyền nói trên của ĐBQH chưa hẳn đã được tôn trọng đúng mức. Đó là chất vấn một đằng, trả lời một nẻo hoặc thậm chí phớt lờ không trả lời những yêu cầu mà ĐBQH gửi tới. Với cá nhân tôi, nếu tôi gửi câu hỏi mà trả lời không đúng, trả lời vòng vo thì tôi đánh giá là năng lực yếu kém hoặc né tránh trách nhiệm. Nếu không trả lời yêu cầu, kiến nghị của tôi, thì chỉ riêng sự im lặng đó đã là sự thất sủng rồi. Đương nhiên, tôi sẽ không tín nhiệm những vị đó nữa!

Ông có e ngại về nguy cơ chạy phiếu hay vận động hành lang sẽ làm cho lá phiếu của ĐBQH thiếu đi sự công tâm?

- Kỷ luật của Đảng hiện nay nghiêm cấm chuyện chạy phiếu. Kỷ luật nhà nước cũng cần được chế định bằng các điều luật cụ thể. Tuy nhiên, mỗi lần đánh giá tín nhiệm, thì ý thức chính trị của mỗi ĐBQH càng được trải nghiệm và hình thành nên bản lĩnh riêng.

Nếu anh vững vàng về bản lĩnh thì sẽ không dễ gì bị lung lay trước sự lôi kéo hay cám dỗ. Đây chính là thước đo danh dự và tiết tháo của mỗi đại biểu do dân bầu ra. Tất nhiên, để hỗ trợ cho quá trình ấy, cần kiểm soát việc gây nhiễu thông tin hoặc các quy định cấm xúc phạm nhân thân, uy tín hay đưa thông tin theo kiểu đổi trắng thay đen.

Sắp tới, đi liền với chế độ lấy phiếu tín nhiệm định kỳ thì phải có biện pháp ngăn chặn sự biến tướng của vận động hành lang, với những thủ đoạn tiêu cực hoặc tác động, làm đảo ngược kết quả đánh giá.

Câu chuyện bỏ phiếu tín nhiệm lần này có ý nghĩa như thế nào trong việc khơi dậy và khuyến khích văn hóa từ chức?

- Việc này còn phải chờ đến lần lấy phiếu tín nhiệm sắp tới. Có thể sẽ có ba khả năng diễn ra.

Khả năng thứ nhất, QH sẽ dễ dãi cho qua khuyết điểm của những người được đưa ra lấy phiếu theo kiểu hòa cả làng như một số người lo ngại. Như vậy, tác dụng sẽ không cao và không có chuyện mở lối cho văn hóa từ chức.

Khả năng thứ hai, với mức độ phê phán, cảnh báo được đưa ra thì chỉ số tín nhiệm vừa đủ để họ rút kinh nghiệm. Điều này cũng có thể giúp ai đó hiểu được giá trị của kiểm điểm để nhìn nhận lại bản thân mình.

Khả năng thứ ba, nếu chỉ số tín nhiệm của QH với một ai đó rất thấp thì người đó cũng sẽ phải cân nhắc chọn con đường phù hợp. Hoặc phải chọn phương án từ chức để giữ tiết tháo, thay vì bị buộc phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, nếu khả năng này xảy ra thì đây là tác động mạnh mẽ và trực diện nhất, mở lối cho văn hóa từ chức.

Đề cử, tiến cử

Ông trông đợi chuyển biến gì trong công tác cán bộ sau đợt tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần này? Việc lấy phiếu cần phải làm đồng bộ với những công việc gì khác nữa?

- Tôi đánh giá cao việc hội nghị Trung ương 7 đã bàn đến quy hoạch cán bộ ở cấp chiến lược, bởi quy hoạch cán bộ vẫn là khâu yếu lâu nay. Vấn đề quan trọng là chiến lược ấy phải phản ánh đúng nhu cầu phát triển, có tính khả thi cao, mở đường cho việc xuất lộ một thế hệ cán bộ có thực đức, thực tài làm trụ cột cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.

{keywords}
ĐBQH đã nhận được bản kiểm điểm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ của 49 vị. Ảnh: Minh Thăng

Tuy vậy, việc quy hoạch cũng cần gắn liền với tiêu chí và cơ chế đánh giá linh hoạt, tức là phải tạo môi trường để cán bộ thử thách, thể hiện năng lực, trình độ và phẩm chất, xem đó là thước đo đánh giá.

Nếu không xứng đáng, cần được thay thế ngay. Nếu sớm thể hiện được năng lực thì có thể rút ngắn lộ trình để “quay vòng” nhanh quá trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Người tài là người có khả năng xoay chuyển cục diện. Cục diện đã thay đổi rồi, thì vàng thau cũng đã rõ, chờ gì đến kỳ hạn mới nhận ra?

Điều nữa là, khi xem xét, quyết định nhân sự đòi hỏi mỗi chức danh phải có sự cạnh tranh sòng phẳng. Trước khi bầu, phê chuẩn, hay bổ nhiệm, mỗi người cần có chương trình hành động trước tập thể đông đảo để năng lực phát lộ; khi bầu phải có số dư. Mặt khác, rất nên tạo lập các kênh đề cử, tiến cử, tự tiến cử với cách thức và phương pháp vừa khách quan, vừa thuận lợi nhất. Tâm lý lâu nay của đa số là do chưa có tiền lệ, nên không ai dám tự tiến cử vì sợ dễ biến thành trò cười. Hoặc thậm chí là tâm lý ỷ lại, chỉ tin vào sự giới thiệu của tổ chức hơn là sự tự tiến cử của một cá nhân đơn lẻ.

Tôi cũng cho rằng nên có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức đề cử, tiến cử sai người, gây hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích chung.

Nếu làm được những điều trên, cùng với đánh giá tín nhiệm định kỳ thì mới có thể phần nào chấm dứt được nạn chạy chức, chạy quyền và đổi mới công tác nhân sự. Đó là lý do tại sao, ngay từ khi mới vào QH, tôi đã đề xuất việc ban hành luật Trọng dụng nhân tài.

Sau nhiều lần thuyết phục, tại kỳ họp thứ ba vừa qua, QH đã chấp nhận đề nghị này và giao Chính phủ nghiên cứu trình QH dự án luật này trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của khóa XIII. Tiếc rằng, đến nay tôi vẫn chưa thấy việc nghiên cứu dự án luật này được khởi động.

Lê Nhung

Mời bạn đọc thêm:

Dân chủ hóa công tác cán bộ

'Bầu bán' phải có số dư

Có nên chọn người 'cãi' giỏi hơn mình?

Nguyên Phó Thủ tướng chỉ ra khuyết điểm công tác cán bộ

Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt