- Theo ĐBQH Bùi Thị An, mang trọng trách trước cử tri cả nước khi bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự cấp cao, mỗi đại biểu phải bản lĩnh, không ngại sức ép, nể nang.

VietNamNet trao đổi với ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An xung quanh việc QH chuẩn bị bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh:

Đánh giá cao hoạt động mở màn có ý nghĩa, song bà cho rằng, nên khoanh hẹp lại đối tượng bỏ phiếu tại kỳ họp lần này.

"Từ số lượng lớn, chúng tôi thấy rằng không nên dàn trải như thế bởi lo ngại nếu không tập trung sẽ không có hiệu quả. Như vậy hiệu lực giám sát sẽ không cao; có lẽ trước mắt không nên lấy phiếu tín nhiệm một lần đồng thời với 49 chức danh, mà nên tách ra, đợt một chỉ nên tập trung vào các chức danh, các vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước".

Bản lĩnh

Bà nghĩ sao về chuyện “vận động” trong những vấn đề như thế này? Trao đổi thông tin giữa các đại biểu là việc bình thường. Nhưng nếu nó pha lẫn yếu tố vận động, đặt mình vào vị trí ĐBQH, bà sẽ xử lý thế nào?

Tôi nghĩ có thể xảy ra chuyện vận động. Nhưng với tôi, vấn đề có tính nguyên tắc là phải xuất phát từ ý kiến và quyền lợi của đại đa số cử tri cả nước, trực tiếp là khu vực đã bầu mình để đánh giá, phán xét, bỏ phiếu, chứ lúc đó không chỉ đơn giản là bỏ phiếu vì quan hệ cá nhân của mình nữa, hoặc vì một lý do nào đấy.

Có quan điểm đặt vấn đề về “sức ép”, “nể nang” theo kiểu sợ ĐBQH e ngại trước những vị nhân sự cấp lớn, không chỉ đơn giản là câu chuyện bỏ phiếu tín nhiệm trong phòng họp. Bà nghĩ sao?

Trong thực tế có thể xảy ra hiện tượng trên. Nhưng tôi vẫn tin rằng, ĐBQH là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám chịu trách nhiệm trước việc làm và chính kiến của mình thành thử ra cũng chả đáng ngại lắm. Chúng ta hy vọng, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu ở QH đúng thực chất đạt được mục đích của QH đã đặt ra.

Thông tin phải nhiều kênh

Lần đầu tiên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với đối tượng trải diện rộng nên phương pháp thực hiện cần có sự thận trọng nhất định là lẽ đương nhiên. Theo bà, các ĐBQH cần có cơ chế mang tính kỹ thuật hỗ trợ cho việc bỏ phiếu như thế nào?

Phương pháp đóng vai trò rất quan trong đến kết quả. Trong quá trình bỏ phiếu, thứ nhất, thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời bằng nhiều kênh. Hai là thời gian phải có đủ để các ĐBQH suy nghĩ, đánh giá, phân tích.

{keywords}

ĐB Bùi Thị An: QH cũng phải có các hình thức cần thiết, kể cả miễn nhiệm nếu ai đó không xứng đáng... Ảnh: Minh Thăng

Ngay cả hình thức phiếu cũng rất quan trọng. Phải làm thế nào để chắc chắn việc bỏ phiếu diễn ra một cách minh bạch, tôn trọng lá phiếu của đại biểu. Đây cũng là lần đầu tiên nên phải làm cẩn thận, nếu không sẽ mang tiếng hình thức, không có hiệu quả, tạo tiền đề không tốt cho các lần sau.

Thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm, bà cũng như các ĐBQH khác đại diện cho cử tri thực hiện công tác đánh giá chất lượng lãnh đạo, cán bộ. Bà có nghĩ việc này cần tham vấn cử tri như một vấn đề nghiêm túc không? Ngược lại, trong quá trình tiếp xúc cử tri, nếu bà nhận thấy cử tri không hẳn “có lý” trong việc nhận xét một vị cán bộ nào đó như theo hiểu biết của bà thì bà sẽ xử lý tình huống như thế nào?

Tham vấn cử tri rất cần. và phải coi ý kiến của cử tri là một “kênh “ thông tin không thể thiếu. Thông qua việc tiếp xúc cử tri, qua ý kiến của nhân dân trên các báo, đài... mà lựa chọn, phân tích, tổng hợp.

Nếu có những ý kiến cử tri phát biểu không sát thực tiễn mà các vị lãnh đạo đang hoạt động, thể hiện thì tôi sẽ giải thích, trao đổi lại. Việc trao đổi có thể đi đến thông nhất hoặc không thống nhất nhưng tôi sẽ thể hiện quan điểm của tôi với tư cách ĐBQH, với bản lĩnh, nhận xét khách quan của tôi, và tôi có thể thuyết phục lại cử tri.

Không thể đốt cháy giai đoạn

Hoạt động sinh hoạt chính trị như vậy có tác động thế nào đến dân chúng, theo bà?

Trước hết, nhân dân thấy bây giờ dân chủ trong QH nói riêng, đất nước nói chung thể hiện rõ hơn. Thứ hai, hiệu lực giám sát QH được nâng lên. Thứ ba, bản thân các vị được bỏ phiếu cũng có dịp để xem lại mình xem lại sự tín nhiệm của nhân dân (thông qua ĐBQH) đến đâu để rút kinh nghiệm.

Cơ quan quản lý cán bộ cũng có cơ hội rất tốt để kiểm nghiệm, xem xét, đánh giá, phân loại cán bộ đã bầu.

{keywords}
ĐB Bùi Thị An trong một phiên họp tổ ở QH. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ tư, và là điều mà người dân hy vọng nhất là sau lần bỏ phiếu tín nhiệm này, những người được góp ý sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để phục vụ nhân dân, đất nước đúng với cương vị và trách nhiệm mà các vị đó được giao.

Còn về phía QH cũng phải có các hình thức cần thiết, kể cả miễn nhiệm nếu ai đó không xứng đáng với cương vị đảm trách!

Thưa bà, kể từ hội nghị TƯ 4 với những vấn đề đặt ra cho công tác cán bộ, lãnh đạo, kỳ họp này, sự kiện bỏ phiếu tín nhiệm đồng loạt các nhân sự cấp cao là một cuộc thực hành dân chủ ý nghĩa. Để trở thành một tiến trình thực chất sau này, theo bà, nên thế nào?

Chủ trương rõ rồi. Chuyện này làm có tốt không phụ thuộc cả hai phía: ĐBQH và các cơ quan chuẩn bị. Tôi đặc biệt nhấn mạnh chuyện khách quan. Bởi khách quan xuất phát trên cơ sở quyền lợi chung của đại đa số cử tri cả nước để ĐBQH bỏ lá phiếu của mình.

Còn phía những cơ quan giúp việc thực hiện chuyện này phải rất nghiêm chỉnh, thận trọng, từng khâu một, từ khâu chuẩn bị, lá phiếu, đến thời điểm bỏ phiếu... Mọi tiến trình dân chủ đều không thể đốt cháy giai đoạn, nhưng điều quan trọng là không được hình thức.

Xuân Linh

Bài 3: Kiểm chứng thông tin trước khi bỏ phiếu