Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế trong ngành game nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đưa ra những đánh giá tổng quan về thị trường trò chơi tại Việt Nam, những tồn tại và chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT). (Ảnh: Hải Đăng)

Theo ông Tự Do, thị trường game trong nước có số lượng người chơi lớn, số game Việt phát hành toàn cầu đứng vào hàng top… Tuy vậy, hơn một nửa doanh thu game trực tuyến tại Việt Nam chảy ra nước ngoài.

Theo số liệu, tổng doanh thu game online tại Việt Nam năm 2021 đạt 665 triệu USD, song chỉ khoảng một nửa trong số này đóng thuế trong nước. Phần còn lại đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu là Singapore.

“Năm 2022 doanh thu có thể tăng hơn, nhưng đáng buồn là tỷ lệ nộp thuế cũng chỉ khoảng 50%”, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử nêu vấn đề.

Việc Singapore có chính sách thu hút doanh nghiệp, cộng với một số rào cản tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước thành lập công ty tại Singapore và doanh thu chảy ra nước ngoài.

Việt Nam có vị thế quan trọng trên toàn cầu trong việc sản xuất các game có quy mô nhỏ và vừa. Trong 10 studio game hàng đầu châu Á Thái Bình Dương và Úc, Việt Nam chiếm một nửa. Cứ 25 game đưa lên kho ứng dụng iOS và Android thì có 1 game của Việt Nam. Chưa hết, 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam.

Dù vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thế mạnh ở các thể loại game phức tạp. Chỉ khoảng 15% game hardcore (game có độ khó rất cao) phát hành tại Việt Nam có nguồn gốc trong nước, phần còn lại chủ yếu từ Trung Quốc. 

Các trò chơi này hầu hết lồng ghép yếu tố lịch sử, văn hoá của nước bạn, rất thiếu những nét đặc trưng của Việt Nam, dẫn tới hệ quả người chơi game tại Việt Nam am tường văn hoá nước ngoài hơn trong nước.

Điều này là do các nhà làm game Việt đều nhắm thị trường toàn cầu khi sản xuất trò chơi. Ngược lại, nhà phát hành trong nước lại tìm game nổi tiếng nước ngoài để mang về Việt Nam. Do đó, rất thiếu những trò chơi mang tinh thần nội địa.

Doanh thu game mua từ nước ngoài về phân phối trong nước đang giảm dần. Do sự thuận tiện của Internet và hình thức thanh toán, các nhà sản xuất game nước ngoài có thể sẽ phát hành game xuyên biên giới vào Việt Nam, khiến miếng bánh của nhà phát hành trong nước càng khiêm tốn.

Ngoài ra, nhiều studio game tại Việt Nam đang làm thuê cho dự án nước ngoài. Nếu không chuẩn bị để sản xuất những tựa game chất lượng, có thể trong 20 năm tới doanh nghiệp Việt vẫn dừng lại ở mức gia công.

Ông Tự Do cũng cho biết, dù thị trường trong nước phát triển song nhân lực ngành game lại hạn chế. Từ định kiến của nhiều người về mảng game, số lượng nhân sự theo đuổi ngành này không nhiều, dẫn đến thiếu hụt lực lượng.

Lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho hay đang lập chiến lược phát triển cho ngành game. Trước mắt sẽ nghiên cứu, đề xuất thực hiện một số chính sách giảm thuế phí, giảm thủ tục hành chính nhằm tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, sẽ giới hạn số lượng game nước ngoài phát hành tại Việt Nam, đặc biệt các game thuần tuý giáo dục truyền thống nước ngoài.

Song song đó, thúc đẩy liên minh game nhằm tạo sức mạnh cho ngành, ngăn chặn các game không phép, phát triển thể thao điện tử và truyền thông thay đổi nhận thức nhằm thu hút nhân sự cho ngành này.