- Đó là một trong 3 kiến nghị mà GS. TS Phan Thanh Sơn Nam (ĐH Bách khoa TP.HCM), người vừa đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 gửi tới các nhà quản lý khoa học công nghệ.
Trong bài phát biểu sau khi nhận giải thưởng, GS Nam đã nói về nhiều điều trăn trở của mình với sự phát triển các ngành khoa học cơ bản của Việt Nam.
Theo vị GS 40 tuổi, nghiên cứu ứng dụng là quan trọng và cho dù đó là các phát minh cải tiến của những người nông dân thì cũng cần phải được trân trọng.
Tuy nhiên, chắc chắn nghiên cứu cơ bản là vô cùng quan trọng, có sứ mệnh sáng tạo ra những tri thức mới cho nhân loại.
"Phải có nền khoa học cơ bản thật vững chắc mới đủ sức nâng khoa học ứng dụng lên tầm cao mới" - GS Nam nói.
GS Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2017. Ảnh: Lê Văn. |
Ông Nam chia sẻ, vào năm 2006, sau khi sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ trở lại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công tác, ông đã gặp nhiều trở ngại khi triển khai nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam.
Phải mất 4 năm sau đó, nhờ có sự ra đời của Qũy Nafosted, nhờ có ĐHQG TP.HCM đầu tư phòng thí nghiệm cũng như ưu tiên kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cơ bản mang tầm quốc tế, ông Nam mới có cơ hội tiếp tục sống lại niềm đam mê của mình.
Từ đó, ông Nam nêu ra 3 điểm kiến nghị đối với các nhà quản lý khoa học công nghệ.
Theo ông Nam, mô hình Quỹ Nafosted cần phải được phát triển và mở rộng hơn nữa đến nhiều đơn vị quản lý khoa học các cấp.
"Có như vậy, chúng ta mới không đứng ngoài cuộc chơi hội nhập với thế giới. Có như vậy hoạt động nghiên cứu của Việt Nam mới có thể nhanh chóng bắt kịp và sánh vai cùng các hoạt động nghiên cứu tiên tiến ở những quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, để từ đó có thể đưa khoa học công nghệ Việt Nam bước qua một trang sử mới".
Ông Nam cũng mong muốn nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý khoa học và quản lý tài chính.
"Hơn 10 năm vất vả với các quy định tài chính khi làm nghiên cứu khoa học, tôi thật sự mong muốn Việt nam sớm có một cơ chế tài chính thật gọn nhẹ mà hiệu quả để các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian và các hoạt động chuyên môn".
Cuối cùng, ông Nam cho rằng, khi đánh giá một nhà khoa học, một phòng thí nghiệm hay một nhóm nghiên cứu thì phải sử dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế chứ không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng.
"Nghiên cứu cơ bản cần phải hình thành cá bài báo quốc tế ISI có chất lượng tốt, còn nghiên cứu ứng dụng thì cần phải hình thành những patent quốc tế" - ông Nam khẳng định.
GS Phan Thanh Sơn Nam, năm nay 40 tuổi là GS trẻ nhất năm 2015 khi mới 36 tuổi.
Từ năm 2010 ông Nam đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa TP.HCM công bố được 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI.
Công trình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu do ông Nam là tác giả chính cũng được thực hiện bởi 5 tác giả là người Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài.
Lê Văn