Khủng hoảng lương thực do đâu?
Sau khi giá khí đốt tăng, giá phân bón "lập tức tăng theo, bởi một số loại phân bón dùng khí đốt làm nguyên liệu", theo Tổng thống Nga.
"Mọi thứ đều có mối liên quan tới nhau", ông nói thêm. "Chúng tôi từng cảnh báo về các cuộc khủng hoảng đó và chúng không liên quan đến bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Nga".
Nhiều chuyên gia năng lượng lo ngại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tương đương hoặc thậm chí tồi tệ hơn khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970-1980. Khủng hoảng lần này không chỉ giới hạn ở dầu thô, mà còn bao gồm cả khí đốt và điện.
Đến nay, kinh tế toàn cầu vẫn chống chịu được việc giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, tình hình có thể tồi tệ hơn khi châu Âu quyết tâm đoạn tuyệt với dầu mỏ và khí đốt Nga. Nga không chỉ là một trong những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, mà còn bên cung cấp khí đốt, than đá lớn.
Trong khi đó, các cảng ở Biển Đen của Ukraine, đặc biệt là cảng Odessa, đã bị phong tỏa kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, khiến hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ở nước này không thể xuất khẩu ra thế giới. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mì cho toàn cầu. Liên Hợp Quốc cảnh báo việc thiếu lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng Ukraine có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu trong vài tháng tới.
Các số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực đã tăng 30% trong vòng một năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt. Vì vậy, để ứng phó, ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn cắt giảm xuất khẩu và tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm – một động thái được đánh giá là có thể khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, khiến giá cả tiếp tục leo thang.
Các nước châu Á được coi là tâm điểm của làn sóng này. Hồi tháng 4, Indonesia đã khiến nhiều quốc gia đứng ngồi không yên khi tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu dầu cọ – sản phẩm quan trọng của nước này, chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu của toàn thế giới. Sang tháng 5, đến lượt Ấn Độ tuyên bố sẽ tạm ngừng xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu đường. Một quốc gia châu Á khác là Malaysia cũng cho biết sẽ tạm ngừng xuất khẩu thịt gà kể từ đầu tháng 6 "cho đến khi giá cả và nguồn cung trong nước ổn định trở lại".
Những động thái tương tự cũng diễn ra tại nhiều khu vực khác. Hungary, Serbia, Kyrgyzstan và Kazakhstan đã lần lượt áp đặt các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc, trong khi với Argentina là thịt bò, còn Iran là khoai tây.
Nga muốn tháo gỡ khủng hoảng nhưng Mỹ không dỡ bỏ trừng phạt
Báo Politico (Mỹ) dẫn lời các quan chức tại nước này cho biết Washington sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga để hỗ trợ thông thương xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Một quan chức Mỹ cho biết những lời kêu gọi từ phía Nga về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu không nhận được phản hồi tích cực phía Washington.
Theo quan chức này, Washington sẽ không đồng ý với thỏa thuận liên quan xuất khẩu ngũ cốc, trong đó bao gồm các bước dỡ bỏ trừng phạt Nga.
Trong khi đó, báo trên cũng dẫn lời một quan chức Liên hợp quốc phát biểu ngày 5/6 đánh giá các đề xuất của Nga làm "phức tạp" thêm các cuộc đàm phán vốn "mong manh" đang diễn ra giữa hai bên.
Hiện các quan chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán giữa Nga và Liên hợp quốc, cũng như những cuộc thảo luận riêng rẽ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vấn đề tạo hành lang xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Ukraine trong bối cảnh xung đột.
Nga và Ukraine là những nước đóng góp khoảng gần 1/4 sản lượng lúa mỳ và lúa mạch toàn thế giới cũng như cung cấp 50% sản lượng dầu hướng dương toàn cầu.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga chặn xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Tuy nhiên, Moskva liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Cuối tuần trước, phát biểu trên đài Rossiya 24, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không hề có trở ngại nào với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Các tàu chở lúa mỳ sẽ có thể rời khỏi Biển Đen mà không gặp vấn đề ngay khi Kiev dỡ bỏ toàn bộ thủy lôi ở các cảng.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đóng góp tích cực cho các nỗ lực nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón nhưng các nước phương Tây cũng cần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh tình hình khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng là do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng nhằm cô lập Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu
Trong bối cảnh các nước đang thận trọng giữ ổn định an ninh lương thực nội địa thì các doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại nỗ lực xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng khắp thế giới.
Kết thúc tháng 5, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo: Xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục đạt 1 tỉ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, ngành đã liên tiếp 3 tháng kim ngạch xuất khẩu đều đạt 1 tỉ USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỉ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Bộ NN - PTNT cho biết xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm đã đạt khoảng 2,05 triệu tấn, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng. Tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…. Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, nhưng xuất khẩu gạo sang châu Phi đã tăng hơn 76% so với năm trước.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam được tin tưởng sẽ là nguồn cung cấp lương thực quan trọng.
Theo báo Thanh Niên, GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhận định: "Là một nước nông nghiệp, Việt Nam nên nhìn nhận vấn đề như là một cơ hội mang tính chiến lược.
"Khi đã có nguồn hàng hóa dồi dào, ổn định và chất lượng mà thế giới cần thì ở góc độ DN và cả chính phủ chúng ta có thể dễ dàng thỏa thuận hợp tác cung cấp dài hạn sản phẩm cho họ. Nhiều nước dân số đông, bị áp lực về an ninh lương thực rất lớn, ở cấp chính phủ chúng ta có thể ký các hợp đồng khung với họ, vừa thể hiện vai trò quan trọng của “bếp ăn” nhưng cũng đồng thời tạo ra một “quyền lực mềm” để tái đầu tư cho sản xuất trong nước”.
(Theo CNN/ Politico/ Nhịp sống kinh tế)