- Quà biếu, thu nhập từ cơ chế xin - cho hay cơ chế ăn chia... Thu nhập không chính đáng của nhiều công chức rất đa dạng, biến hóa khôn lường, không thể thống kê, kiểm soát.

 

Điều gì mở cửa cho mua bán chức quyền?

LTS: Theo TS.Nguyễn Hữu Dũng (Viện khoa học Lao động và Xã hội), cần hiểu rõ quan hệ giữa tiền lương, thu nhập của công chức họ với việc thực thi công vụ, cũng như đặt nó trong thực tiễn thị trường. Hiện nay, rõ ràng công chức sống nhờ những khoản thu nhập ngoài lương là nhiều.


Công chức là người làm công, ăn lương từ ngân sách nhà nước. Họ thực thi công vụ được phân công trong hệ thống hành chính nên lương của họ phải được trả theo vị trí công tác trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và hiệu quả làm việc. Mức lương trả cho công chức phụ thuộc vào khả năng của ngân sách nhà nước, không dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

 

 


Ảnh: baocongthuong.com.vn


Công chức được đào tạo ở trình độ cao, làm việc chủ yếu bằng trí óc, có ảnh hưởng rộng (sản phẩm công) và đòi hỏi trách nhiệm rất cao, đặc biệt là lao động của bộ máy quyền lực… Nếu không tính đến các đặc thù trên, nhất là trả lương không đúng, không đủ thì sẽ làm méo mó quan hệ tiền lương ở khu vực này và phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng.

Ngân sách hiện nay đang vừa gánh tiền lương, thu nhập cho công chức, vừa đảm bảo các chi phí có tính chất hành chính khác. Vì vậy cần làm rõ kết cấu tiền lương, thu nhập của công chức và các khoản chi hành chính để tránh lẫn lộn, sử dụng các khoản tiết kiệm chi ngân sách hoặc chi thông qua thực thi công vụ để bổ sung cho tiền lương và thu nhập công chức.

Công nhận giá trị của sức lao động, tiền lương là giá cả của sức lao động, thì trong nền kinh tế thị trường, công chức có quyền đòi hỏi được trả lương đúng với giá trị sức lao động của họ, trong mọi tương quan với thị trường lao động.

Vũ Quốc Tuấn (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng)

Quan trọng hơn, trong kinh tế thị trường, tiền lương, thu nhập của công chức dù do ngân sách trả, vẫn phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của khu vực thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này sẽ dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi công vụ (tiêu cực, tham nhũng), can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để “đòi chia sẻ lợi ích”, làm lũng đoạn, méo mó thị trường và tăng dòng chảy máu chất xám từ khu vực hành chính nhà nước ra khu vực thị trường.

Sự chêch lệch đó là một trong những căn nguyên gốc rễ của nghịch lý: tiền lương trả cho công chức không đủ sống và thấp hơn nhiều so với khu vực thị trường, nhưng lại có một bộ phận công chức giàu lên nhanh chóng từ những thu nhập phần nhiều do tiêu cực, tham nhũng mà có.

Lương ít, "lậu" nhiều

Thách thức lớn nhất trong chính sách tiền lương khu vực hành chính nhà nước là tiền lương theo hệ số ngạch, bậc rất thấp, không đủ sống, dù đã nhiều lần nâng mức tối thiểu, hiện nay là 730.000 đồng, nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao, không có giới hạn, không kiểm soát được.

Những thu nhập không chính đáng rất đa dạng, biến hóa khôn lường. Thu nhập tăng thêm có thể có phần chính đáng, song chủ yếu là không chính đáng do lợi dụng quyền lực để tước đoạt, tham nhũng trong thực thi công vụ.

Những người nhiều khả năng thu nhập ngoài lương nhất là những người có quyền:

- cấp đất, cho thuê đất: cho doanh nghiệp; cho mình (đứng tên những người trong gia đình); dùng đất để "ngoại giao", biếu cấp trên;

- phê duyệt các loại dự án (đầu tư, lập doanh nghiệp…), cấp phép sử dụng vốn ODA;

- chỉ định ngân hàng cho vay tiền đối với những doanh nghiệp hoặc dự án, cho khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ thành vốn nhà nước cấp;

- quy định mức thuế phải nộp;

- xử phạt hành chính những lỗi vi phạm trong kinh doanh, trong giao thông, vận tải;

- bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức…

Vũ Quốc Tuấn


Trước hết là do được biếu xén. Hệ thống công vụ của Việt Nam rất nặng nề về đẳng cấp và có xu hướng phân chia lợi ích khá rõ ràng. Biếu xén trong quan hệ công vụ đã vượt khỏi quan hệ tình cảm, trở thành quan hệ phân phối lợi ích từ quyền lực. Địa vị càng cao, giá trị biếu xén càng lớn.

Cơ chế xin - cho cũng đem lại thu nhập đáng kể cho công chức, bất kể cấp nào, miễn là ở vị trí có quyền “cho” và người “xin” sẵn sàng trả. Cơ chế xin - cho không chỉ tồn tại trong phân bổ nguồn lực tài chính, mà quan trọng hơn là trong phân bổ tài sản, tài nguyên quốc gia (đất đai, khoáng sản… thông qua cấp phát hoặc đấu thầu, cổ phần hóa…), trong chi tiêu công, nhất là cung cấp dịch vụ công thông qua các dự án và cho phép các cơ chế đặc thù có lợi cho người đi "xin".

Còn một cơ chế  khác là ăn chia, tức là cơ chế thỏa thuận giữa công chức trong thực thi công vụ và các đối tượng quản lý thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là liên quan đến thu - chi ngân sách (thuế, hải quan, mua sắm chi tiêu công…), bảo hiểm xã hội, dự án ODA… Đó cũng là nguồn thu nhập lớn, không có giới hạn và khó kiểm soát.

Công chức cũng có thể thu nhập từ việc hợp pháp hóa các khoản chi cho hoạt động công vụ theo quy định của nhà nước từ nguồn ngân sách (hợp pháp hóa chứng từ) - một dạng khá phổ biến hiện nay để bổ sung nguồn thu nhập, nhất là trong tổ chức các hội nghị, tập huấn, hội thảo, đề án…

Ngoài ra còn có nguồn thu nhập từ tạo “sân sau” thông qua hình thành liên kết giữa thực thi công vụ và khu vực thị trường. Mặc dù Luật công chức không cho phép công chức trực tiếp tham gia khu vực thị trường, nhưng thực tế đã hình thành một hệ thống “sân sau” nhờ móc nối, liên kết công - tư để tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, điển hình là trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công và cung cấp dịch vụ công…

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường càng làm cho các dạng "bổ sung thu nhập" ngày càng phức tạp, tạo ra “thu nhập ngầm” rất lớn, về thực chất là các dạng tham nhũng của công chức khi có quyền lực trong tay. Dù pháp luật không cho phép, dư luận phê phán gắt gao, việc kiểm soát, giám sát cũng được tăng cường, nhưng hiệu quả ngăn chặn vẫn rất thấp. Kết quả là công chức không ai sống được bằng lương, nhưng nếu có nguồn "thu nhập bổ sung" thì sẽ giàu lên nhanh chóng.

"Bổng" cũng cần bàn đến

Tuy vậy, công chức cũng có những khoản thu nhập ngoài lương không chính thống nhưng lại chính đáng và cần được tính vào thu nhập. Chẳng hạn, một số khoản chi công vụ theo định mức và khoán như điện, điện thoại, xe công nếu có tiêu chuẩn…, thực chất không có ý nghĩa tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà chỉ là khuyến khích thực hành tiết kiệm chi hành chính. Nhưng nếu tính đúng chi phí để nâng mức khoán chi thì cũng có ý nghĩa tăng thu nhập.

“Phong bì” - nếu là khoản bồi dưỡng khi công chức, nhất là công chức lãnh đạo tham gia hội nghị, hội thảo, họp hành... cũng là khoản thu nhập thêm phổ biến, tuy không thường xuyên và đồng đều. Khoản này được tính trong chi phí hội nghị, hội thảo, họp hành, nhưng lại chi trực tiếp cho người tham dự.

Cũng có thể tính đến thu nhập từ nguồn thực hiện các đề án xây dựng chính sách, pháp luật. Khoản này được nhà nước quy định chính thức và chi trực tiếp cho công chức tham gia các đề án. Tương tự, công chức là các nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi, khi chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu cấp bộ, nhà nước, quản lý các dự án ODA… cũng có thêm khoản bồi dưỡng chính đáng, mang tính khuyến khích.

Ngoài ra, còn có thể tiền tệ hóa và đưa vào lương những khoản như hỗ trợ tiền thuê hoặc mua nhà theo tiêu chuẩn diện tích quy định, chi cho phương tiện đi lại (tối thiểu là xe máy)…

  • Nguyễn Hữu Dũng