–  Câu chuyện thương tâm về cháu bé 7 tháng tuổi ở Gia Lai “chết oan” vì gia đình bỏ thai sau khi có kết quả siêu âm của bác sỹ đang làm dấy lên những lo ngại về các sai sót trong chẩn đoán trước sinh gây hậu quả đáng tiếc.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Lê Hoàng, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, bác sỹ công tác tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh và Trung tâm hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản TW) cho biết: “Siêu âm chỉ là một xét nghiệm cận lâm sàng, không thể dựa vào một xét nghiệm này để đưa ra quyết định bỏ thai được”.

Hành trình siêu âm của sản phụ bỏ con ở nghĩa địa
Phát hiện cháu bé vẫn sống khi đưa ra nghĩa địa

Siêu âm chỉ là một xét nghiệm

Theo TS Hoàng, siêu âm là một xét nghiệm cận lâm sàng, cho kết quả nhanh, khá chính xác, không xâm lấn (không gây chảy máu hoặc gây đau cho người bệnh và bác sỹ thực hiện).

Do là một xét nghiệm nên bao giờ siêu âm cũng có sai số nhất định. Độ chính xác của siêu âm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố quan trọng nhất là chất lượng máy móc và trình độ người thực hiện siêu âm.

Vì thế, không thể chỉ dựa vào một xét nghiệm này để đưa ra quyết định cuối cùng được. Kết quả siêu âm cần được kết hợp với nhiều kết quả thăm khám khác và quyết định cuối cùng phải được đưa ra bởi bác sỹ lâm sàng chứ không thể dựa vào một xét nghiệm cận lâm sàng”, bác sỹ Hoàng nói rõ.

Cháu bé 7 tháng tuổi ở Gia Lai “chết oan” vì gia đình bỏ thai sau khi có kết quả siêu âm của bác sỹ. (Ảnh: VietNamNet)

Theo ông Hoàng, hiện nay siêu âm có thể xác định được khoảng 60-70% dị tật của thai nhi. Có những dị tật rất khó phát hiện hoặc chỉ phát hiện được khi tuổi thai đã lớn, thậm chí cháu bé ra đời rồi thì việc chẩn đoán dị tật này cũng vẫn gặp nhiều khó khăn (như dị tật chậm phát triển trí não, rối loạn chuyển hóa,…).

Khoa học đã chứng minh, không có độ tuổi nào là hết nguy cơ bị dị tật (bởi khi thai bé thì có bệnh này, thai lớn có thể có bệnh khác). Và khi đã khẳng định đó là “dị tật” (sau khi làm đủ các xét nghiệm cần thiết bên cạnh siêu âm) thì đó là bệnh. Còn khi có dấu hiệu nghi ngờ là phải theo dõi.

Giãn não thất cũng là một dị tật nhưng có nhiều mức độ khác nhau. Chưa tính đến các yếu tố khác (chỉ tính riêng giãn não thất) thì khoảng cách giãn dưới 10mm là bình thường, từ 10-14mm là thuộc diện cần phải theo dõi, còn trên 14mm thì có nguy cơ cao. Do đó, không thể kết luận vội vàng được”, ông Hoàng cho hay.

Quyết định cuối cùng thuộc về gia đình

Hiện nay, theo bác sỹ Hoàng, ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu phát hiện thai nhi nghi ngờ có dị tật, bệnh viện sẽ làm thêm một loạt xét nghiệm khác như: máu, chọc ối, sinh thiết, chụp cộng hưởng từ,… rồi đưa ra hội đồng chuyên môn đánh giá.

Hội đồng này gồm các GS đầu ngành của nhiều chuyên khoa. Sau khi hội chẩn (liên khoa hoặc liên chuyên khoa) thì bệnh viện mới đưa ra quyết định là có cần phải đình chỉ thai hay không, nếu không đến mức phải đình chỉ thì sẽ đưa ra hướng xử lý như thế nào đối với mẹ và với bé.

Dù có được tư vấn thế nào thì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về gia đình. (Ảnh: C.Q)

Tuy vậy, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về gia đình. Về mặt y học mà nói, có những trường hợp bệnh viện cho biết có thể để lại và can thiệp sau đó giúp đứa trẻ trở lại bình thường nhưng gia đình vẫn bỏ.

Hoặc ngược lại, có những trường hợp bác sỹ khuyên bỏ nhưng gia đình vẫn nhất quyết giữ lại. Đó là quyết định của gia đình và bệnh viện không thể can thiệp được”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, chẩn đoán trước sinh là một bước tiến lớn trong y học nhằm phát hiện sớm các dị tật, nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho gia đình, xã hội. “Nhưng đừng tin tuyệt đối vào một xét nghiệm nào đó để đưa ra quyết định vội vã. Kết quả xét nghiệm đó cần được xem xét tổng thể, kỹ lưỡng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cần lựa chọn kỹ càng cơ sở khám chữa bệnh và thận trọng khi đưa ra quyết định

Hiện nay, nhiều sản phụ phản ánh có hiện tượng sau khi có kết quả siêu âm, có những trường hợp vội vã đưa ra kết luận khiến sản phụ và gia đình hoang mang, thậm chí có những trường hợp gây ra hậu quả đáng tiếc không đáng có.

Bên cạnh việc nhấn mạnh “siêu âm chỉ là một xét nghiệm cận lâm sàng, không nói hết được tình trạng, mức độ bệnh tật, Tiến sĩ Hoàng còn khuyến cáo: “Do độ chính xác của kết quả siêu âm phụ thuộc nhiều vào chất lượng máy móc và trình độ bác sỹ, kỹ thuật viên nên các sản phụ cần tìm đến các cơ sở y tế có chuyên môn. Tại đây, các yếu tố về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, phương tiện đều được đáp ứng tốt hơn”.

Ngoài ra, khi phát hiện có những nghi ngờ về dị tật thai nhi, không nên vội vã quyết định mà cần phải xử lý hết sức thận trọng. “Đến khi nào hội đồng liên khoa, liên chuyên khoa đưa ra khuyến cáo thì lúc đó đình chỉ thai cũng không muộn”, ông Hoàng nói.

Cẩm Quyên

Bài 2: Hối hận vì vội tin kết quả siêu âm thai