Iran và các cường quốc thế giới hôm qua đã không thể khỏa lấp bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran tại Moscow.

Quang cảnh cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran tại Moscow
Trong bối cảnh đó xuất hiện các lời đe dọa làm tê liệt lệnh cấm vận dầu hoặc thậm chí hành động quân sự nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, nhóm đàm phán của Iran và các cường quốc do giám đốc chính sách đối ngoại của EU là bà Catherine Ashton cho biết ít nhất là họ đã thành công trong việc duy trì các cuộc đối thoại và đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán sau đó.

Mỹ và Israel lặp đi lặp lại rằng họ không loại trừ phương án không kích nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran. Phương Tây vẫn nghi ngờ Tehran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân dưới danh nghĩa năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự. Do đó, cuộc gặp giữa các bên tại Moscow được cho là một phép thử then chốt để duy trì đối thoại.

"Rõ ràng là có các khoảng cách đáng kể giữa bản chất của hai quan điểm" - bà Ashton nói với các phóng viên trong buổi họp báo muộn sau 9 giờ đàm phán trong ngày làm việc cuối cùng.

Bà Ashton cho biết thêm đã có các trao đổi "cứng rắn và thẳng thắn" với đoàn đàm phán của Iran do trưởng đoàn là ông Saeed Jalili đứng đầu.

Bà Catherine Ashton là đại diện cho các cường quốc P5+1, bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cùng với Đức.

Bà Ashton nói rằng các cường quốc tái khẳng định rằng họ yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium tới mức 20%, chuyển các kho vật liệu đi chỗ khác và đóng cửa cơ sở làm giàu uranium Fordo.

"Lựa chọn là do Iran" - bà Catherine Ashton nói.

"Chúng tôi mong Iran tự định đoạt xem liệu họ có muốn để cho biện pháp ngoại giao phát huy tác dụng, để tập trung vào đạt một thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin nhất quán, và để giải quyết các lo ngại của cộng đồng quốc tế".

Việc làm giàu uranium là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài cả thập kỷ tại Iran, vì quá trình này có thể vừa giúp tạo ra nhiên liệu hạt nhân nhưng cũng có thể tạo ra lượng uranium đủ giàu để tạo ra lõi của bom hạt nhân.

Iran kiên trì rằng động cơ hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình và nhằm sản xuất năng lượng phục vụ dân số ngày càng tăng, cũng như giúp điều trị bệnh ung thư.

"Thực tế là họ [Iran] đã bắt đầu giải quyết vấn đề này lần đầu tiên, nhưng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước".

Trưởng đoàn đàm phán của Iran cho rằng các cuộc đàm phán lần này "nghiêm túc hơn và thực tế hơn" các vòng lần trước diễn ra tại Istanbul và Baghdad.

Ông Jalili cũng thả nổi khả năng cung cấp nhiên liệu hạt nhân từ nước ngoài nằm trong một phần thỏa thuận sau này.

Tuy nhiên, trong một động thái khác có vẻ như Iran vẫn muốn làm giàu uranium ở mức 20%. Ông Jalili nói: "Chúng tôi kiên trì với thực tế rằng việc làm giàu uranium vì các mục đích hòa bình ở mọi cấp độ là quyền của Cộng hòa Hồi giáo [Iran]".

Ông Jalili cũng cảnh báo các lệnh trừng phạt xuất khẩu dầu mà Liên minh châu Âu và Mỹ đang áp đặt lên Iran có nguy cơ khiến cho tiến trình đàm phán đi chệch hướng.

"Nếu bắt đầu một lộ trình đi ngược lại cách tiếp cận này, và một số hành động nào đó ngăn cản cách tiếp cận này, đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả của các cuộc đàm phán" - ông Jalili nói.

"Bất kỳ một động thái sai lầm nào, và bất kỳ động thái sai lầm không chỉ riêng trong cách tiếp cận này chắc chắn sẽ không có tính chất xây dựng, và sẽ nhận được cách phản ứng thích đáng".

Tuy nhiên, một quan chức trong chính quyền Mỹ nói trong điều kiện giấu tên cho biết: sẽ không có sự mềm mỏng nào trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

'Tôi không nghĩ là các bất đồng đã được thu hẹp" - vị quan chức này nói.

"Tôi nghĩ rằng có thể hiểu thế này: Iran có một lựa chọn. Họ cung cấp rất nhiều thông tin cũng như chúng tôi, và họ cần suy ngẫm về lựa chọn mà họ đưa ra".

Cuộc đối thoại tiếp theo về vấn đề hạt nhân Iran dự kiến sẽ diễn ra tại Istanbul hôm 3/7 tới đây.

  • Lê Thu (theo CNA)