- Theo quy định của Luật pháp, việc xử phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, kể cả có gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cũng không thể xử tử hình được.

TIN BÀI KHÁC

Sáng nay (31/8), trao đổi với VietNamNet, LS. Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết, nếu bị kết tội thì tại thời điểm phạm tội "tày trời" Lê Văn Luyện chưa đầy 18 tuổi (Luyện sinh tháng 10/1993). Theo quy định của Luật pháp thì việc xử phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, kể cả có gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cũng không thể xử tử hình được.

Theo LS. Triển, việc xử người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, trong trường hợp của Luyện, dù hành động phạm tội có man rợ đến thế nào thì cũng không thể áp dụng khung hình phạt cao nhất - tử hình.

Cùng quan điểm với LS. Triển, một số luật sư khác cũng cho rằng, với chính sách khoan hồng của chính phủ đối với những người phạm tội khi chưa đến tuổi vị thành niên thì không thể áp dụng mức hình phạt cao nhất được.

Tuy nhiên, trên báo Giáo dục Việt Nam dẫn lời LS. Bùi Đình Ứng – Trưởng Văn phòng Luật Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thì đối tượng Lê Văn Luyện đã phạm phải hai tội là “giết người” và “cướp của” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Trước tới nay, chưa bao giờ xã hội lại thấy vụ cướp tài sản nào lại man rợ như thế. Hung thủ ra tay một cách tàn ác, giết liền một lúc 3 mạng người và một cháu bé bị chặt cụt tay. Hành vi mất hết nhân tính này không ai có thể bao biện, giảm nhẹ cho cậu ta. Khung hình phạt đối với Luyện, không cần phải nói cũng biết chắc chắn cậu không thể thoát khỏi án tử".

Lê Văn Luyện sẽ không bị tử hình? (Ảnh: An ninh thủ đô)

Về đối tượng Trương Thành Hồng (SN 1992), Trương Văn Hợp (SN 1964, bố đẻ của Hồng),  và bố mẹ Luyện: Lê Văn Miên (SN 1969), Trương Thị Thơm (SN 1973) mặc dù cơ quan chức năng và báo chí liên tục đưa tin về việc truy tìm hung thủ trong vụ thảm sát vàng nhưng họ biết mà không khai báo.

Những bậc phụ huynh này đã cố tình che giấu tội phạm, không khuyên nhủ con mình ra đầu thú, họ đã thương con một cách mù quáng. Và hành động chôn vàng hộ con của ông Miên cũng đã đủ cấu thành tội- luật sư Triển cho biết.

Theo LS. Bùi Đình Ứng, về trường hợp bố, mẹ hung thủ là ông Lê Văn Miên và vợ Trương Thị Thơm, vì là trụ cột gia đình nên có thể là tình tiết giảm nhẹ tại phiên tòa. Tuy nhiên, điều này sẽ còn phải phụ thuộc nhiều vào sự thành khẩn khai nhận của vợ chồng ông Miên và lời khai của Luyện, khi y bị bắt.

Theo Điều 74 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về phạt tù có thời hạn nêu rõ: Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Mẫn Chi (tổng hợp)