Ngày 10/7, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng – Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương và bà Hồ Thị Kim Thoa – Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cả hai cựu lãnh đạo của Bộ Công thương được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Các quyết định nói trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn, cơ quan điều tra đã tống đạt đến hai bị can và thực hiện lệnh khám xét nơi ở. 

Theo tìm hiểu của VietNamNet, những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian công tác ở Bộ Công thương có liên quan đến việc quản lý khu “đất vàng” tại địa chỉ số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. 

{keywords}
Khu "đất vàng" 6.000m2 nằm ở vị trí đắc địa 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh, quận 1. 

Có diện tích hơn 6.000m2, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng được xem là khu đất hiếm hoi còn sót lại nằm giữa trung tâm quận 1 và có 4 mặt tiền giáp đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh.

Về nguồn gốc đất, trên cơ sở đề nghị của Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về việc di dời văn phòng để xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, năm 2004 Bộ Công nghiệp đã có văn bản đồng ý chủ trương.

Sau khi được UBND TP.HCM cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời tại khu đất trên vào năm 2006, Sabeco xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng, gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê.

Tháng 10/2007, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về việc Sabeco xin xây cao ốc 45 tầng như nói trên. Trong văn bản trả lời sau đó, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của Sabeco, tuy nhiên lưu ý giá đất tính tiền sử dụng đất phải sát với giá chuyển nhượng trên thị trường. 

Đến tháng 12/2007, UBND TP.HCM chấp thuận giao Sabeco làm chủ đầu tư xây dựng khu phức hợp. Để thực hiện dự án này, trước đó Sabeco đã thành lập Công ty CP BĐS Sabeco. Tuy nhiên đến năm 2013, dự án vẫn chưa triển khai nên Bộ Công thương đã chỉ đạo giải thể doanh nghiệp này.

{keywords}
Dự án cao ốc tại khu “đất vàng” này nhiều năm vẫn... nằm trên giấy.  

Dự án được tái khởi động vào đầu năm 2015 khi Sabeco thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) làm chủ đầu tư dự án, các cổ đông gồm Sabeco và 3 công ty khác. Việc đồng ý chủ trương lựa chọn nhà đầu tư mới thay thế để thực hiện dự án có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Công thương khi đó là ông Vũ Huy Hoàng. 

Sabeco Pearl có vốn điều lệ khoảng 567 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm Sabeco và 3 doanh nghiệp khác. Trong đó, Sabeco góp 26% (18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế được hưởng từ khu đất), 3 cổ đông còn lại góp bằng tiền mặt và tiền sử dụng đất. 

Dự án sau đó được điều chỉnh mục tiêu đầu tư trong đó có office-tel và căn hộ bán. Đến giữa năm 2016, Sabeco thoái vốn thông qua việc bán đấu giá cổ phần cho các cổ đông sáng lập Sabeco Pearl, thu về 195 tỷ đồng. 

Ít lâu sau, 3 cổ đông còn lại cũng lần lượt thoái vốn khỏi Sabeco Pearl, toàn bộ cổ phần của công ty này rơi vào tay của những “đại gia” kín tiếng. Liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai tại dự án này, 5 cán bộ nguyên là lãnh đạo các sở ban ngành ở TP.HCM đã bị khởi tố để điều tra.

DN gia đình nữ đại gia Bình Dương 'thâu tóm' loạt khu đất vàng thế nào?

DN gia đình nữ đại gia Bình Dương 'thâu tóm' loạt khu đất vàng thế nào?

Hầu hết các khu đất được tỉnh Bình Dương giao cho doanh nghiệp gia đình bà Phạm Thị Hường làm dự án phân lô đều có nguồn gốc là đất nhà máy, xí nghiệp. Có trường hợp thu hồi cả  đất công để giao cho DN bà Hường. 

Phương Anh Linh