Trên núi Lủng Cẩu thuộc địa bàn xã Bản Phùng huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu huyện Xín Mần (Hà Giang) tồn tại hàng nghìn ngôi mộ cổ. Tương truyền, đây là những ngôi mộ giả được con cháu vua Gia Long đắp lên nhằm tránh bị người đời sau đào trộm lấy châu báu.

Vua Gia Long là ai?

Xin khẳng định lại, vua Gia Long ở đây không phải là vua Gia Long - Nguyễn Ánh mà là một vị vua của người La Chí tên là Hoàng Dìn Thùng đã có công giúp đồng bào nơi đây khai khẩn đất hoang, xua đuổi thú dữ hình thành nên bản làng người La Chí tại Hà Giang như ngày nay. Chúng tôi tình cờ biết khu mộ cổ này trong một lần cùng anh Nguyễn Viết Tuân - Trưởng Phòng Văn hoá huyện Hoàng Su Phì đi tham quan khu ruộng bậc thang tại xã Bản Phùng, một trong 4 địa điểm được công nhận danh thắng quốc gia của huyện Hoàng Su Phì.

Những ngôi mộ bí ẩn tại xã Bản Phùng

Để có thể ngắm nhìn bao quát những thửa ruộng bậc thang, chúng tôi phải leo lên đỉnh một ngọn núi cao chót vót mà người La Chí gọi là Lủng Cẩu hay núi Gia Long. Mải chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, hoang sơ đang chuẩn bị vào mùa cấy, chúng tôi bị lạc vào một khu đất rộng mênh mông với hàng nghìn ngôi mộ nằm rải rác theo sườn núi. Tiến lại gần quan sát, thấy các ngôi mộ có hình dạng, kích cỡ khá giống nhau; cách vài mét lại xuất hiện những cụm mộ cao khoảng 1,5 mét, rộng 10 - 20 mét vuông, song cũng có những ngôi mộ to bằng quả đồi nhỏ. Điều kỳ lạ, mặc dù bị mưa, nắng tác động hàng trăm năm qua nhưng các ngôi mộ trên không bị xói mòn mà ngày càng to hơn.

Tò mò trước sự hình thành vô cùng kỳ lạ này chúng tôi tìm đến gia đình ông Vương Văn Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Bản Phùng, và may mắn gặp được mẹ của ông là cụ Vàng Thị Dể. Mặc dù đã bước sang tuổi 81 nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về khu mộ vua Gia Long, cụ Dể vẫn minh mẫn tâm sự. Cụ Dể thú thật, không biết những ngôi mộ đó hình thành từ khi nào vì khi sinh ra cụ đã thấy nó ở đó rồi.

Cụ Dể được ông bà kể lại, ngày xưa khu vực xã Bản Phùng vô cùng hoang vu, người La Chí chính là những cư dân đầu tiên đến đây khai hoang lập địa nên bị thú dữ tấn công làm hại thường xuyên. Để có được những thửa ruộng bậc thang như ngày nay, đồng bào La Chí phải đương đầu với bao hiểm nguy nơi rừng rậm. Đúng thời điểm người La Chí nguy nan nhất, bên sườn núi Tây Côn Lĩnh xuất hiện một chàng thanh niên tên Hoàng Dìn Thùng thân hình cường tráng, khuôn mặt chữ điền, nước da hồng hào, giọng nói vang vọng khắp núi rừng đến giúp người dân xua đuổi muông thú.

Sau khi xua đuổi hết thú dữ, Hoàng Dìn Thùng dạy người dân cách trồng ngô và cây lúa nước. Nhờ vậy, chẳng mấy chốc cả bản người La Chí có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, khi cái bụng đã no và có của để dành thì từ trên rừng xuất hiện một toán cướp đến chém giết, cướp ngô lúa, trâu, bò của dân làng. Trước tình cảnh bi thương ấy, Hoàng Dìn Thùng một lần nữa ra tay tập hợp dân bản lại thành một đội quân hùng mạnh đánh tan lũ giặc ngoại xâm giúp bà con yên ổn làm ăn, sinh sống. Điều lạ là, đến thời điểm này chưa có người La Chí nào biết Hoàng Dìn Thùng sinh ra và lên ở đâu. Họ chỉ biết, khi ông qua đời, sau một đêm khắp dãy núi Lủng Cẩu xuất hiện hàng nghìn ngôi mộ như ngày nay.

Lo bị yểm bùa

Nhiều người cho rằng, sau khi vua Gia Long qua đời được chôn theo rất nhiều vàng bạc, châu báu. Để che mắt những kẻ đào mộ trộm, con cháu và quân lính của Hoàng Dìn Thùng đã đắp hàng nghìn ngôi mộ giả nhằm qua mắt thế gian. Những ngôi mộ đó kéo dài từ xã Bản Phùng đến tận xã Bản Díu, huyện Xín Mần (Hà Giang) và cả một số nơi như Malipho thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng xuất hiện những ngôi mộ dạng này với khoảng cách khá đều nhau.
Bí thư Đảng ủy xã Bản Phùng, Lộc Xuân Thành kể về vị vua Gia Long của người La Chí.

Ông Vương Đức Toàn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bản Phùng cho biết, sự hình thành những ngôi mộ trên núi Lủng Cẩu đã vô cùng bí ẩn và sự bí ẩn bên trong những ngôi mộ đó khiến nhiều người thực sự tò mò. Ngày còn làm Bí thứ xã Bản Phùng, ông Toàn đã nhiều lần dò hỏi các già làng, trưởng bản, những thầy mo có uy tín nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Bản thân người dân cũng không ai dám đào bới khu mộ vì sợ bị yểm bùa, bị trừng phạt. Tuy nhiên, trong quá khứ một lần dân làng làm đường liên thôn đã đào phải một ngôi mộ phát hiện trong đó có chứa nhiều than củi, ở một ngôi mộ khác bị dòng nước lũ làm sạt lở phát lộ một thanh kiếm và một số vật dụng bằng sành, nhưng không ai dám lấy.

Tưởng nhớ những công lao to lớn của vua Gia Long, vào tháng Ba hàng năm chọn ngày đẹp nhất hàng nghìn người La Chí sinh sống quanh đỉnh núi Lủng Cẩu cùng kéo nhau lên ngôi đền thờ thắp hương, làm lễ tưởng nhớ vị vua Gia Long. Bản thân rất nhiều gia đình người La Chí hiện nay vẫn đang lập miếu thờ vị vua anh minh này.

Qua quá trình tìm hiểu, gặp gỡ nhiều người dân xã Bản Phùng, chúng tôi còn được nghe câu chuyện một số người làm đường đào được rất chiếc trống bằng đồng đen, được bà con đánh lên mỗi khi trong làng có lễ cúng, sau đó được đem lên để ở ngôi đền thờ vua Gia Long trên đỉnh núi Lủng Cẩu và bị mất trộm, đến nay không rõ tung tích ở đâu. Bản thân một số người La Chí ở Bản Phùng vẫn tin là trong hàng nghìn ngôi mộ kia sẽ có rất nhiều vàng bạc và châu báu, một số người thì cho rằng trong đó không có gì bởi hàng nghìn ngôi mộ kia do con cháu vua Gia Long đắp lên với mong muốn mộ cha mình không bị đời sau khai quật.

Tuy nhiên, theo ông Lộc Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phùng, một người La Chí chính gốc, thì hiện có một ngôi mộ duy nhất của vua Gia Long được người La Chí thờ cúng tọa lạc trên đỉnh núi Lủng Cẩu, heo hút giữa rừng già. Trên đỉnh núi vẫn còn rất nhiều cây ăn quả cổ thụ, chủ yếu là đào và mận. Tương truyền, ngày xưa nếu ai ăn quả ngay tại đó thì không sao, nhưng cứ hễ bỏ vào túi mang về là sẽ bị lạc đường vì đi mãi lại quay lại chỗ cũ. Ngày nay, trên núi còn có một tấm bia đá và một ban thờ, xung quanh có ao và các vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày và một chiếc máng cỏ cho ngựa ăn.

(Theo NNVN)