An Giang là tỉnh miền Tây Nam bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, diện tích tự nhiên 353.676 ha, trong đó, 297.872 ha sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa chiếm trên 84%.

Theo rà soát của cơ quan dân tộc, dân số của tỉnh là hơn 2,1 triệu người, với 543.764 hộ, 29 dân tộc anh em, gồm 4 dân tộc, chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn có 28 DTTS với 119.219 người.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh, chỉ đạo chăm lo các mặt đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS. Tập trung các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội  vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, mức sống và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS Khmer và các DTTS khác ngày càng nâng cao.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người DTTS đạt 52,1 triệu đồng/năm. Hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 3%/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, đến nay, khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào DTTS có những bước chuyển mình rõ nét, gần 100% số xã có đường nhựa, bê-tông đến trung tâm xã, khóm, ấp, diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.

W-dantocham.png
Dệt vải ở làng Chăm Châu Giang

Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, mới đây, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025. Trong đó, đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể, đó là phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đất ở cho 317 hộ, nhà ở cho 1.092 hộ dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 358 hộ dân. Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng 59 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022-2025 vùng đồng bào DTTS và miền núi còn 3,5%/năm...

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình quốc gia, các sở, ban, ngành địa phương trong tỉnh An Giang sẽ thực hiện 10 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 573,56 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 383 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 38 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách khoảng 151 tỷ đồng.

Với một số dự án cụ thể như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục- đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Nhóm PV