Theo một báo cáo được công bố hôm 29/5 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ bà mẹ đơn thân ngày một tăng dẫn đến gần 40% phụ nữ có con dưới 18 tuổi hiện đang là trụ cột gia đình.

{keywords}

Julie Guyot-Diangone dẫn con đi chơi gần nhà. Chị là một bà mẹ đơn thân và cũng đang là trụ cột gia đình.

Đàn ông thất nghiệp, phụ nữ phải cáng đáng

Báo cáo này cũng cho thấy một sự thay đổi sâu rộng trong vai trò của đàn ông và phụ nữ và sự thay đổi trong cuộc sống gia đình chỉ sau vài thập kỷ. Số phụ nữ đã kết hôn có mức thu nhập cao hơn chồng đã tăng gần gấp 4 lần – từ 4% vào năm 1960 lên 15% vào năm 2011. Tỷ lệ bà mẹ đơn thân đang là trụ cột gia đình cũng tăng gấp 3 – từ 7% lên 25% cùng kỳ.

“Thập kỷ 20 là giai đoạn chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng nhất hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ năm 1960 về việc phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng” – Philip Cohen, nhà xã hội học của ĐH Maryland chuyên nghiên cứu về giới tính và xu hướng gia đình nhận định.

“Điều này phản ánh những tổn thất nghề nghiệp của đàn ông thời kỳ đầu khủng hoảng. Một số phụ nữ quyết định làm thêm giờ hoặc tìm những công việc tốt hơn để bù đắp lại những tổn thất trong sự nghiệp của chồng như mất việc, chậm thăng tiến hay giảm lương”.

Tuy nhiên, báo cáo của Pew cho thấy người Mỹ đang có 2 luồng tư tưởng về việc phụ nữ đi làm kiếm tiền. ¾ số người được khảo sát nói rằng những bà mẹ này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chăm sóc con cái trong khi ½ số người được hỏi lo ngại rằng việc phụ nữ đi làm kiếm tiền sẽ không tốt cho hôn nhân.

Một nửa số người được hỏi cho rằng sẽ tốt hơn nếu phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái. Ngược lại, 8% nghĩ rằng đàn ông ở nhà chăm sóc con cái sẽ tốt hơn.

Nhưng đồng thời, báo cáo này cũng lưu ý rằng các cuộc thăm dò khác cho thấy gần 80% người Mỹ cho rằng phụ nữ không nên quay lại với vai trò nội trợ truyền thống như thời kỳ những năm 1950.

“Dư luận thực sự có 2 luồng quan điểm” – Kim Parker, một trong những tác giả của báo cáo cho hay. Vai trò truyền thống của giới tính “đã ăn sâu vào tư tưởng mỗi người. Phải có thời gian để những quan điểm này bắt kịp thực tế cuộc sống ngày nay”.

Hài lòng với hoàn cảnh

Mặc dù không hoàn hảo nhưng đó là cách sống phù hợp với Lisa Rohrer – người đang làm việc tại Trung tâm Luật, ĐH Georgetown – cũng như gia đình cô. Rohrer trở thành trụ cột gia đình khi chồng cô JJ bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Hiện anh là người đón con, làm việc nhà và ở nhà chăm sóc khi chúng ốm đau.

“Với chúng tôi, đó là cách phân công lý tưởng để JJ có thể theo đuổi ước mơ kinh doanh riêng và cho phép tôi làm một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và thường xuyên đi công tác. Tôi cũng rất vui khi được cho bọn trẻ thấy một lựa chọn khác để cân bằng giữa sự nghiệp, hôn nhân và con cái” – cô nói. “Nói cách khác, tôi đồng cảm hơn với những ông bố có vợ đang ở nhà chăm sóc gia đình. Rất áp lực khi họ phải là người trụ cột”.

Không thể phủ nhận xu hướng phụ nữ cáng đáng phần lớn chi tiêu trong gia đình đang ngày càng tăng do học thức, trình độ của họ ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến xu hướng phát triển – bà Sarah Jane Glynn, một chuyên gia phân tích của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ cho hay.

“Một trong số nguyên nhân của những gì đang diễn ra là đàn ông thất nghiệp ngày càng nhiều và họ gặp nhiều khó khăn hơn khi kiếm việc làm” – bà Glynn nhận xét và tiết lộ thêm số phụ nữ kết hôn đang là trụ cột gia đình đã tăng từ năm 2007.

Báo của của Pew cho thấy những phụ nữ đã kết hôn ngày càng học cao hơn chồng: 61% những gia đình cả vợ cả chồng đều đi làm có trình độ học vấn tương đương nhau, 23% những gia đình này có vợ học cao hơn chồng và 16% gia đình có chồng học cao hơn vợ.

Năm 1985, phụ nữ bắt đầu tốt nghiệp đại học nhiều hơn và hiện tại họ có nhiều bằng cấp cao hơn đàn ông ở nhiều lĩnh vực.

Thành kiến phụ nữ kiếm ít tiền hơn đàn ông dần trở nên mờ nhạt, ít nhất là với những người có bằng đại học. Khoảng 30% người được hỏi – giảm 10% so với năm 1997 - cho rằng đàn ông kiếm nhiều tiền hơn sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, số người Mỹ chỉ có bằng trung học hoặc thấp hơn lại gấp đôi số người có bằng đại học, vì thế quan điểm đàn ông nên kiếm tiền nhiều hơn có lẽ vẫn sẽ còn được ủng hộ không ít ở đất nước này.

Heidi Parsons, 44 tuổi, hiện đang sở hữu một công ty tuyển dụng ở Alexandria, cho rằng những quan điểm như thế này có thể khiến việc là trụ cột gia đình trở thành một thách thức trong mối quan hệ vợ chồng.

“Chồng tôi là một nhân viên trị liệu mát-xa. Sự chênh lệch về thu nhập thực sự rất khó khăn với anh ấy. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi biết điều gì đang diễn ra và nó không bao giờ khiến tôi phiền lòng. Nhưng thực sự rất khó cho anh ấy. Điều tôi muốn thấy là việc anh ấy ở nhà 2 năm để chăm sóc bọn trẻ thực sự rất tuyệt vời. Đó là sự đóng góp không được công nhận khi người đàn ông làm việc đó”.

Ông Cohen cho rằng xu hướng người mẹ là trụ cột có thể khiến nhiều người lúng túng vì nó đi ngược lại truyền thống.

Mẹ đơn thân gặp nhiều khó khăn

Báo cáo của Pew cũng cho hay, những bà mẹ đơn thân là trụ cột gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn.

So với những người có chồng, họ kiếm được trung bình khoảng 23.000 USD và đang có xu hướng trẻ hơn, là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha và thường không có bằng đại học.

“Hoàn cảnh của các bà mẹ đơn thân bây giờ cũng thay đổi rất nhiều” – Wendy Wang, một trong những tác giả của báo cáo này nhận xét. “Năm 1960, phần lớn mẹ đơn thân đều rơi vào các trường hợp: ly hôn, ly thân hoặc góa bụa. Chỉ có 4% chưa bao giờ kết hôn. Nhưng bây giờ, con số đó chiếm 44% các ca đơn thân”. Và hiện 40% trong số tất cả ca sinh là bà mẹ đơn thân – bà Wang nói thêm.

Julie Guyot-Diangone, 42 tuổi là một phụ nữ có 2 con, đã ly dị và hiện đang là trụ cột gia đình. Chị đã có bằng Tiến sĩ về công tác xã hội, chuyên về người tị nạn và trẻ mồ côi. Nhưng từ khi cả bố mẹ chị đều mất cách đây vài tháng, chị không nhờ cậy được ai trông nom bọn trẻ, đi chợ, nấu nướng hay giặt đồ.

“Trước đây khi đi tìm việc, tôi thường nghĩ rằng sẽ tìm một công việc phù hợp với chuyên môn của mình, không nhất thiết phải là một công việc 8 tiếng/ ngày. Bây giờ tôi thấy mình đang tìm giờ làm việc chứ không phải một công việc. Tôi ưu tiên cho những công việc có thời gian linh động hay làm việc từ xa”.

Marcia Greco, 57 tuổi, đang làm việc ở Fairfax không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành trụ cột gia đình khi chồng cô thất nghiệp cách đây 20 năm. Chồng cô chăm sóc bọn trẻ và đi học vào buổi tối. Anh cảm thấy bị cô lập. Đôi khi, mọi người nhìn vào gia đình anh chị với con mắt tò mò. Bất chấp điều đó, bất chấp những bất lợi khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình mà báo cáo của Pew đã nêu ra, họ sống tốt với hoàn cảnh của mình. Hai vợ chồng anh chị mới kỷ niệm ngày cưới lần thứ 30.

“Chúng tôi đã cho bọn trẻ thấy rằng ai cũng có thể là người chăm sóc con cái, là người ra ngoài kiếm tiền và ai cũng có thể là trụ cột gia đình. Giới tính không ảnh hưởng gì tới chuyện đó” – chị Greco chia sẻ.

Nguyễn Thảo (Theo Washington Post)