- Tàu Jung Woo 2 bị cháy, người thì mãi mãi bỏ xác lại biển khơi, người thương tích nặng nề. Và cho đến nay, những thuyền viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị thương trên con tàu đó ở đã về nhà. Trong niềm vui đón chào của người thân, hàng xóm, nhưng kí ức kinh hoàng vẫn ám ảnh họ.

Kí ức kinh hoàng


Chúng tôi tìm đến nhà thuyền viên Ngô Văn Sĩ ( 34 tuổi, ở xóm 8, xã Kỳ Hà) vừa trở về từ cõi chết sau vụ cháy tàu Jung woo 2 trên biển Hàn Quốc cách đây hơn 1 tháng.

Bên trong ngôi nhà, đã có hàng chục người già, trẻ, trai, gái… là bà con, lối xóm đến thăm hỏi, mừng anh may mắn thoát chết trở về.

“Khoảng hơn 10h đêm 11/01, sau khi xong công việc trên tàu, anh em tắm rửa rồi đi ngủ. Mới lên nằm chưa kịp chợp mắt thì nghe tiếng ai đó hô tàu cháy rồi. Thế là mọi người gọi nhau vùng dây chạy lên boong.

Anh Sĩ bên vợ và con gái chưa hết bàng hoàng khi việc thoát chết kinh hoàng khi tàu cháy.
 

Tôi lên gần như sau cùng nên khi biết tin thì ngọn lửa đã rất lớn, chẳng còn cách nào khác đành lao vào ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy để thoát.

Cả người bị bỏng nặng may mà được anh em dìu kéo lên boong rồi mặc áo phao cho, sau đó đưa xuống phao cứu sinh. Nằm rên rỉ với vết bỏng cháy rát, đến khoảng 4h đồng hồ sau thì có một chiếc tàu đến cứu, đưa tất cả chúng tôi vào bờ”.

Khi được cứu, anh Sĩ vẫn biết rằng, trên con tàu đang bốc cháy vẫn còn 3 bạn thuyền bị mắc kẹt, trong đó có người đồng hương tên Quảng ở xã Kỳ Trung, người bạn thân trước đây từng đi Đài Loan với Sĩ.

“Đau xót lắm nhưng đành bó tay nhìn bạn mình chết cháy”, anh Sĩ buồn rầu kể.

Cũng là thuyền viên bị thương trên con tàu Jung Ưoo 2 trở về, anh Nguyễn Chí Công (SN 1989, ở thôn Tây Sơn, xã Kỳ Trung) bị thương nhẹ hơn anh Sĩ, nên được xuất viện sớm hơn.

Anh về nhà từ 29 tết trong sự chờ đón, hạnh phúc của gia đình, người thân.

“Em đang ngủ thì nghe tiếng hô: Tàu cháy! tàu cháy! khẩn trương dậy ngay! Em vùng dậy chưa biết chuyện gì thì đã nhìn thấy lửa cháy xung quanh. Thấy mọi người chạy theo hướng lên boong, em cũng vùng chạy theo.

Khi vượt qua cửa thoát hiểm thì em bị lửa bén vào người nóng ran. Em cố lấy sức trườn lên boong. Nhờ mấy anh em dìu kéo lên rồi dập lửa nên em mới được cứu. Sau đó em được đưa xuống phao cứu sinh.

Sau hơn 4h lênh đênh trên phao cứu sinh thì có một con tàu lớn đến cứu đưa tất cả bọn em vô đất liền rồi 3 người bị thương bọn em được đưa vào nhập viện điều trị”.

Vui buồn lẫn lộn

Trong niềm vui ngày trở về. Anh Sĩ như được sinh thêm lần thứ hai. Mọi người ai cũng vui mừng. Anh cho biết, về đến nhà lúc 3h sáng là mọi người thân ngồi ôm hôn, trò chuyện cho đến gần hết ngày mà vẫn chưa hết người vào ra.

Tuy nhiên, anh cũng buồn và lo lắng cho khoản tiền nợ hơn 50 triệu đồng để xuất ngoại rồi đây không biết lấy đâu ra mà trả. Anh đã 3 lần tìm vận may khi đi XKLĐ với 3 năm đi Malaisia, 2 năm Đài Loan, và lần này đi Hàn Quốc. Thế nhưng đều thất bại, hiện chưa có vốn liếng gì, mà chỉ thêm nợ nần.

“Nợ nần thì rồi sẽ phải lo. Nhưng hiện tại anh ấy thoát chết về được với vợ con, gia đình là em mừng lắm rồi. Chẳng may anh không về được nữa thì mẹ con em không sống nổi mất” chị Phạm Thị Ba (32 tuổi, vợ anh Sĩ) ôm đứa con nhỏ và xoa cái bụng bầu tâm sự. Hiện chị cũng chỉ còn 1 tháng nữa là sinh đứa con thứ hai.

Có mặt trong ngày vui của gia đình anh Sĩ còn có bà Nguyễn Thị Xảo (58 tuổi) mẹ của thuyền viên Trần Văn Ngoan (SN 1991, ở thôn Vĩnh Lợi, xã Kỳ Ninh).

Bà đến chia vui và cũng hỏi thăm tình hình người con trai của bà cũng thoát chết trong vụ cháy tàu nhưng nay chưa về được.

Ngoan là người bị bỏng nặng nhất trên con tàu bị cháy nói trên. Trong cả 3 người bị thương đều ở huyện Kỳ Anh được điều trị cùng một bệnh viện thì hiện chỉ còn Ngoan chưa xuất viện.

“Nó vẫn gọi điện về nói là bị thương nhưng không nặng lắm. Bố mẹ cứ yên tâm, đừng lo lắng cho con. Điều trị lành con sẽ về. Khi tôi hỏi lại thể khi nào con về được, nó im lặng không nói. Có lẽ nó bị nặng lắm, nếu không thì đã ra viện về nhà như thằng Sĩ, thằng Công rồi”, bà Xảo nước mắt ngắn dài.

Gia đình bà Xảo có 5 người con thì Ngoan là con thứ 3 và là con trai duy nhất. Do vậy, từ khi biết con bị nạn, gia đình rất lo lắng, buồn phiền. Tết vừa rồi, gia đình không tha thiết gì cả. Chỉ ngóng trông điện thoại con gọi về thôi.

Cùng chung vách với nhà thuyền viên Nguyễn Chí Công, người bị thương thoát chết trở về trong niềm vui mừng, hạnh phúc của người thân là nỗi đau của gia đình bà Trần Thị Nhuận khi mà người con trai của bà đã vĩnh viễn nằm lại nơi xứ lạ.

“Con người ta thì đã về với cha mẹ, vợ con, còn thằng Quảng nhà tui thì nằm lại giữa biển khơi lạnh lẽo. Nó bỏ lại cha mẹ, anh em, vợ con thật rồi. Không sống được thì cũng có nắm tro gửi về chứ. Thế này thì đau đớn lắm…”, bà Nhuận nghẹn ngào trong nước mắt.

Trần Văn – Duy Tuấn