Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 10 - 12, các tỉnh duyên hải miền Trung bước vào "chính vụ" mùa mưa bão. Do vậy, việc xây dựng kịch bản về phòng chống thiên tai phải được các tỉnh, thành chuẩn bị sẵn sàng nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại.
Quảng Nam: Lực lượng xung kích ứng trực 24/24h sẵn sàng sơ tán người dân
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn. Trong đó, việc sơ tán dân phải theo phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường tối đa công tác di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép; hạn chế sơ tán tập trung.
Sau cơn bão số 4 ngày 19/9 vừa qua, toàn huyện Nam Trà My phải sơ tán khẩn cấp hơn 70 hộ dân với gần 300 nhân khẩu tại 2 ngôi làng Tăk Chay và Lăng Lương...
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, do phần lớn địa hình là đồi núi nên khu vực nào của huyện cũng có khả năng xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Qua khảo sát, ghi nhận khoảng 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Lấy vụ lở núi nghiêm trọng ở xã Trà Leng năm 2020 làm "bài học xương máu", hằng năm huyện đều chủ động kiểm tra, rà soát từng điểm khu dân cư, nhà dân nằm trong vùng có nguy cơ mất an toàn.
"Để hạn chế thiệt hại, mỗi xã đều có lực lượng xung kích ứng trực 24/24h sẵn sàng di dời, sơ tán người dân ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, huyện đã dự trữ hơn 300 tấn gạo tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân, dự trữ hơn 1.160 thùng lương khô, 1.505 thùng nước uống đóng chai. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng có hơn 1.000 người tham gia sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống.
Đặc biệt, để chủ động ứng phó nguy cơ lũ quét, sạt lở trước mùa mưa bão, những năm gần đây, Quảng Nam đã triển khai việc di dời kết hợp sắp xếp lại dân cư.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, từ năm 2017 đến nay, huyện đã sắp xếp ổn định 64 khu dân cư/2.954 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 175 tỷ đồng. Địa phương đang tiếp tục xây dựng khẩn cấp 2 khu tái định cư với tổng diện tích 2,4ha, nhằm sớm ổn định đời sống cho khoảng 70 hộ dân.
Quảng Ngãi: Đầu tư 14 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi
Để đảm bảo an toàn cho người dân miền núi, chính quyền tại Quảng Ngãi đang rà soát từng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét và các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn.
Những năm qua, tình trạng sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) diễn ra phức tạp, làm hư hỏng một số công trình nhà ở, khiến người dân bất an.
Trước tình trạng này, dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng đã được triển khai, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho 5 hộ dân với 24 nhân khẩu dưới chân núi này và tuyến đường DH77.
Là một trong những địa phương thường xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão, toàn huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) hiện có 6 điểm nguy cơ sạt lở ở cấp độ 1 với 53 hộ/189 khẩu, 32 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 2 với 233 hộ/896 khẩu và 2 điểm có nguy cơ sạt lở cấp độ 3 với 28 hộ/105 khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang, huyện đã rà soát lại tất cả điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ sạt lở. Đồng thời phân công lực lượng ứng trực, tích trữ lương thực và sẵn sàng di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở,…
Với những vùng có nguy cơ sạt lở cao, sẽ đề xuất xây dựng các điểm tái định cư ở vị trí an toàn để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Bình Định: Đã có dữ liệu trong phần mềm ứng phó với thiên tai
Tại tỉnh Bình Định, để đối phó với nguy cơ sạt lở mùa mưa bão, các địa phương cũng đã xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, dấu ấn của Bình Định là phần mềm ứng phó thiên tai giúp địa phương này số hóa dữ liệu gần 1,5 triệu người.
Theo thống kê, Bình Định hiện có 403.460 hộ gia đình với 1.478.043 nhân khẩu được rà soát, cập nhật trên phần mềm Quản lý thiên tai của tỉnh. Trong đó, 281.465 người dễ bị tổn thương cần được quan tâm, hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra.
Tại cuộc họp về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các địa phương tập huấn ứng phó theo số liệu, dữ liệu đã có trong phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh. Việc chuẩn bị ''4 tại chỗ'' phải linh hoạt, gắn với tình hình thực tế tại địa phương.
"Khi xảy ra thiên tai, các ngành, địa phương kích hoạt các phương án, kịch bản đã có và thông báo đến các lực lượng, các đơn vị chức năng trên địa bàn, các thiết bị sẵn sàng để chủ động phòng chống bão lũ", ông Tuấn nhấn mạnh.