Nhìn vào toàn bộ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về bãi đá cạn trên biển và các chiến dịch ngoại giao truyền thông trong những ngày gần đây giữa Bắc Kinh và Hà Nội, các chuyên gia phân tích chiến lược và các nhà ngoại giao thấy rõ nguy cơ của một cuộc tranh chấp leo thang về khai thác dầu khí quốc tế tại biển Đông.

Không khó để tưởng tượng ra các kịch bản xấu nhất: sự thăm dò kình địch liên quan đến tài sản của các công ty quốc tế và được sự hỗ trợ của các tàu hải quân và tàu bán quân sự, tất cả ẩn chứa nguy cơ xảy ra sự cố cũng khi nó liên quan đến các nước lớn hơn. Một tùy viên quân sự kỳ cựu nhận định: "Chúng ta đang nói đến một thùng thuốc súng...và nó có thể là rất to. Căng thẳng liên quan đến thăm dò dầu khí có thể dễ dàng trở thành một cái gì đó tồi tệ hơn thế nhiều".

Động thái hồi cuối tuần trước của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), nhằm mời thầu quốc tế đối với các lô dầu khí đang được các công ty quốc tế thăm dò theo các thỏa thuận với Việt Nam (vốn nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam - người dịch), là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan tâm hơn đến vùng biển đang tranh chấp ngay cận kề một số hải trình bận rộn nhất thế giới.

Trong nhiều năm liền, Bắc Kinh đã phản đối, cả công khai và không chính thức, các thỏa thuận thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và một số công ty dầu khí lớn nhất thế giới ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và nằm trong vùng biển mà đường lưỡi bò gây tranh cãi của Trung Quốc đi qua. Thông điệp của Bắc Kinh rất rõ: các công ty vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và làm phương hại tới lợi ích của Trung Quốc. Hà Nội tất nhiên không đồng ý với việc này.

Một số công ty, trong đó có hãng dầu lửa khổng lồ BP của Anh, đã rút lui. Hãng dầu lửa lớn nhất thế giới ExxoMobil của Mỹ vẫn tiếp tục hợp đồng, trong khi các công ty dầu khổng lồ của Ấn Độ, Nga và Nhật Bản đã vào cuộc.


Ảnh minh họa

Các đe dọa của Bắc Kinh đối với ExxonMobil càng làm gia tăng những lo ngại của Washington về các báo cáo cho thấy thái độ ngày một xác quyết hơn của Trung Quốc tại biển Đông. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam dự định mở đàm phán với các công ty khác của Nhật Bản vào tháng 7.

Hiện giờ, sau nhiều năm thất bại, CNOOC đã công khai mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nói trên. Nhiều năm qua, các quan chức của công ty này đã bày tỏ lo ngại rằng họ có thể bỏ lỡ các hợp đồng béo bở đầy hứa hẹn nếu tranh chấp biển Đông kéo dài....

Giáo sư Clive Schofield, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và An ninh biển quốc gia Australia, cho biết: "Nhiều khả năng các cuộc đụng độ sẽ xảy ra trong tương lai khi một nước liên quan cố gắng và thăm dò trong các lô này. Việc chọn các lô này (nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - người dịch) mang tính nhạy cảm ở chỗ nó cho thấy Trung Quốc đang tìm cách củng cố các quyền tài phán của mình".

9 lô dầu khí trong tuyên bố mời thầu của CNOOC nằm trong khu vực rộng khoảng 160.000 km2, chồng lấn với các lô của Việt Nam mà các tập đoàn Exxon, Gazprom (của Nga), Tập đoàn dầu khí Ấn Độ và tập đoàn Năng lượng Talisman của Canada đang thăm dò và khai thác. Các tàu hải giám Trung Quốc hồi năm ngoái đã va chạm với các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại một số lô dầu khí và cũng có ý định ngăn cản hoạt động thăm dò tại các vùng biển đang tranh chấp ở ngoài khơi Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hồi tuần này mô tả động thái của CNOOC là "hành động bình thường của tập đoàn này", và kêu gọi Việt Nam "ngừng ngay lập tức các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí vi phạm các quyền của các vùng biển liên quan". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói động thái của CNOOC "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng công ty này phải "ngừng ngay lập tức" hoạt động mời thầu.

Hai bên cũng chính thức phản đối một loạt các động thái pháp lý và hành chính gần đây của nhau, trong khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra định kỳ qua quần đảo Trường Sa bằng máy bay chiến đầu Su-27.

Sự bùng nổ bất ngờ của những ngôn từ và hành động đã gây lúng túng cho một số chuyên gia phân tích từng nói đến một sự dịu bớt các căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam sau một loạt các hoạt động ngoại giao và hợp tác hồi năm ngoái.

Nhấn mạnh tới các sự thay đổi này tại một hội thảo ở Washington tuần này, học giả kỳ cựu về biển Đông, Giáo sư Carl Thayer đã cảnh báo về nguy cơ tình trạng rối loạn tiềm ẩn. "Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tiếp tục mở rộng các cơ quan thực thi pháp luật biển dân sự của mình, và đáng kể hơn, đều đang hiện đại hóa các lực lượng không quân và hải quân tại biển Đông...Có thể nói nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ hải quân trên biển đang ngày một lớn"./.

Châu Giang (theo South China Morning Post)