- Bóng đá phủi giờ khác xưa nhiều, từ cách chơi đến cách suy nghĩ. Với nhiều cầu thủ phong trào và thậm chí là chuyên nghiệp, phủi chính là cái nghề, chứ không đơn thuần chỉ là niềm đam mê.
Khi phủi là niềm vui
Trong những năm gần đây, sân cỏ nhân tạo mọc lên như nấm. Dù vậy, cung chẳng đủ cầu, bởi nhà nhà đi đá phủi, người người đi đá phủi. Phủi, bây giờ là khái niệm không còn xa lại đối với người dân những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…Bất cứ ai ham mê đều có thể gọi người lập đội, chỉ với đôi giày, bộ quần áo không phải là xịn và vài chục nghìn đồng tiền “góp” thuê sân hay “chung độ” cho thêm phần máu lửa, ăn thua.
Bóng đá phủi ngày một phát triển |
Tiếng là phong trào nhưng phủi giờ đã thay đổi nhiều. Sân phủi thường có đội trọng tài làm thuê, có hệ thống âm thanh, ánh sáng, phục vụ đồ ăn, thức uống để có thể đá bóng từ sáng đến đêm. Thời cởi trần đá bóng giờ hiếm khi gặp, bởi hầu hết các đội phủi đều có màu cờ sắc áo, tên tuổi đàng hoàng.
Đến với phủi, đa số giới cầu thủ nghiệp dư đều cảm thấy vui vẻ sau những giờ làm việc căng thẳng. Dưới ánh đèn chỉ đủ sáng để nhìn thấy nhau, nhưng các sân phủi luôn đông kín người. Ở đó có những tiếng hò hét, cười đùa và cả văng tục, thậm chí đánh nhau, nhưng tất cả chẳng coi đó là lạ, vì thế mới là phủi. Hầu hết khi đá phủi xong, các cầu thủ đều ngồi với nhau bên cốc bia hay đơn giản là cốc trà đá để nói về trận đấu. Đó cũng là một cách để gắn kết những con người yêu bóng đá.
Bóng đá phủi len lỏi khắp các khu phố, trường học, bệnh viện… Phủi không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác. Chỉ cần bạn có đam mê, và yêu thích bóng đá, có thể là bảo vệ, hay nhân viên văn phòng, sinh viên… đều trở thành cầu thủ phủi.
Sự hình thành của các CLB bóng đá phủi đều có một điểm chung là xuất phát từ sự đam mê bóng đá. Chính niềm đam mê là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự phát triển của bóng đá phủi như hôm nay.
Với sự đi lên của bóng đá phủi, nên giá thuê sân cũng ngày càng tăng, cùng với đó là những phát sinh, hệ lụy khác. Phủi cũng không chỉ là niềm đam mê, mà còn là cái nghề và cả những khắc nghiệt chẳng kém sân chơi chuyên nghiệp.
Và là nghề
Nếu như bóng đá Việt Nam chỉ có một giải chuyên nghiệp V.League, một hạng Nhất, thì giải phủi nhiều không đếm xuể. Từ các giải cấp phường xã, tới các giải huyện, thành phố và thậm chí là cả nước, quy tụ rất nhiều ngôi sao, những tài năng bóng đá phủi. Các giải đấu này cũng ngày một chuyên nghiệp hóa, có đội lên xuống hạng chẳng khác gì chuyên nghiệp.
Cầu thủ nổi tiếng như Thành Lương cũng tham gia nhiều giải phủi |
Bóng đá phủi cũng có những ông bầu như chuyên nghiệp. Các ông bầu này bỏ tiền ra cho đội bóng hoạt động, thu hút các nhân tài giới phủi và kiêm luôn việc tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ.
Bóng đá phủi đang rất thịnh, nên nhiều cầu thủ chuyên sống bằng nghề đi đá bóng “phủi”. Dĩ nhiên, đó phải là những cầu thủ xuất sắc và có “số má”. Thời cách đây chục năm, những cầu thủ thế hệ vàng như Trương Việt Hoàng, Quang Hà, Đức Thắng, Đặng Phương Nam… liên tục xuất hiện trên sân phủi. Sau khi các cựu danh thủ này hầu hết theo nghiệp HLV, đến lượt lứa của Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Lâm… cũng tham gia đá phủi để “kiếm thêm”. Giờ là lứa của những Thành Lương, Văn Quyết, Ngọc Hải, Mạnh Hùng… mỗi khi nghỉ thi đấu là lại nhận lời tham gia các giải phủi.
Họ là những ngôi sao đi đá phủi nên không hẳn là lấy phủi làm nghề. Những cầu thủ sống bằng nghề phủi, phải kể đến những “dị nhân” như Thắng “xavi”, Giang “say”, Cường “trắng”, Phương vertu, Đạo “từ sơn”, Tuấn “bệu”, Khánh “alves”… Tất nhiên, trong số này cũng có nhiều người có một nghề nghiệp riêng và không sống dựa vào thu nhập có được từ việc đi đá bóng. Chẳng hạn như Phương “vertu”, Tùng “Milan”, Sáng “persie” đang làm ở ngân hàng; Giang “say” làm ở Bộ Giao thông và bán thêm quần áo thể thao online; Lâm “voi” làm ở cửa hàng xăm nghệ thuật…
Phủi cũng là một nghề quả không sai. Một cầu thủ phủi có thâm niên chia sẻ: “Mật độ thi đấu giải phủi thậm chí còn cao hơn giải Vô địch quốc gia. Có những ngày, tôi thi đấu đến 3 trận, trung bình kiếm từ vài trăm tới triệu đồng mỗi trận, chưa kể tiền thưởng. Có giải đoạt chức vô địch, nhận tiền thưởng của BTC, rồi các sếp thưởng “nóng”, có khi đến cả chục triệu đồng”.
Những cầu thủ phủi có hạng, đá quanh năm không hết giải, chỉ sợ không có sức mà đá. Phủi giúp nhiều cầu thủ kiếm bộn tiền, nhưng cũng có những mặt trái như chấn thương và nguy hiểm hơn là dính tới chuyện cá độ. Vì thế, bóng đá phủi cũng khắc nghiệt lắm chứ chẳng phải dạng chơi cho vui.
Văn Quyến, Quốc Vượng chạy sô đá phủi Đều là những tài năng của bóng đá Việt Nam, sau khi giải nghệ, Văn Quyến, Quốc Vượng vẫn có thể tỏa sáng trên sân phủi. Cả hai thường xuyên nhận được những lời mời của các ông bầu tham dự các giải đấu có giải thưởng lớn. Có thời điểm Văn Quyến phải liên tục di chuyển từ Vinh ra Hà Nội và ngược lại để đá một lúc cho 2 đội bóng. Số tiền kiếm được từ phủi, cũng giúp Quyến “béo” trang trải cuộc sống, lại được rèn luyện sức khỏe, theo đuổi đam mê. |
Kỳ 2: Giai thoại về những “dị nhân” làng phủi
Song Ngư