- Kiểm toán Nhà nước phải độc lập, được "sờ" đến bất cứ đâu có nguồn lực tài chính nhà nước, sử dụng tài sản quốc gia.
Trao đổi với ông Đặng Văn
Thanh - nguyên Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế -
Ngân sách QH, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam trước phiên thảo luận
của QH về sửa Hiến pháp, trong đó có nội dung quan trọng - kiểm soát quyền lực.
Ông Đặng Văn
Thanh - nguyên Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế -
Ngân sách QH, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam
Để thực hiện có hiệu quả hai chức năng - kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản quốc gia, địa vị pháp lý của KTNN phải được đưa vào Hiến pháp. KTNN phải là cơ quan độc lập, như một bộ phận rất quan trọng không thể thiếu trong việc điều tiết nền kinh tế quốc dân.
Ở các nước phát triển, KTNN có địa vị pháp lý rất cao, được quy định trong Hiến pháp. KTNN - cơ quan kiểm tra về tài chính công - nằm ở nhánh tư pháp chứ không phải ở nhánh lập pháp. Bản thân KTNN không phải phải là cơ quan giúp việc cho Quốc hội, mà nằm độc lập như một phương tiện của Nhà nước, độc lập với Quốc hội, độc lập với cơ quan hành pháp.
KTNN phải là cơ quan kiểm tra của nhà nước, bất cứ ở đâu có nguồn lực tài chính nhà nước, sử dụng tài sản quốc gia, Kiểm toán NN đều được "sờ" đến.
Một sự kiểm tra tài chính công rộng lớn và phức tạp sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhà nước và quyền lực của cá nhân chức quyền, nên hoạt động của KTNN phải đứng ngoài hoạt động của hệ thống tài chính, chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy Hiến pháp - pháp luật phải quy định địa vị pháp lý cho hoạt động này.
Theo ông, đối với một nhà nước pháp quyền, nên đặt vị trí của Tổng KTNN như thế nào cho phù hợp để phát huy được vai trò, chức năng của Tổng Kiểm toán?
Ở nhiều quốc gia, Hiến pháp quy định vị thế của cơ quan KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ở Nghị viện/Quốc hội, bao giờ Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng được bố trí một ghế riêng trang trọng. Tổng Kiểm toán Nhà nước ở vị trí trung dung, ngồi nghe và nếu cần sẽ đưa ra những ý kiến độc lập.
Theo tôi, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải được đảm bảo quyền độc lập, quyền bất khả xâm phạm được Hiến định như đại biểu QH. Cần phải quy định vị trí của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại các kỳ họp của QH, bố trí ghế, bục riêng cho Tổng Kiểm toán ngồi, để các đại biểu đều nhìn thấy. Rất cần bố trí cho ông Tổng Kiểm toán dự những phiên liên quan đến thảo luận kinh tế, tài chính, được quyền trình bày những vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính mà đại biểu QH yêu cầu.
Tôi cho rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này nên quy định thêm quyền năng và trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc phê chuẩn và phân bổ nguồn lực NN. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng phải được quyền tham gia ngay trong khâu Chính phủ trình phân bổ nguồn lực của Nhà nước ra QH, tham gia ý kiến xác đáng về chuyên môn và tính độc lập trong quá trình kiểm toán (định mức, tiêu chuẩn, kẽ hở pháp lý, lỗ hổng trong quá trình thực hiện chính sách...), cung cấp những thông tin, dữ liệu quan trọng cho QH, cho các cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ hoạt động kinh tế, tài chính, ngân sách và những kiến nghị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách, giúp Chính phủ, QH bố trí nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia một cách chặt chẽ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng phải được toàn quyền về kế hoạch và chương trình kiểm toán trong 1 năm và trong trung hạn.
Tổng KTNN do QH bầu, miễn nhiệm
và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, nhiệm kỳ là 5 năm.
Với tư cách nguyên là Phó chủ nhiệm UB Kinh tế - Ngân sách QH khóa 11, ông có
thể cho biết QH đã sử dụng kết quả kiểm toán trong đánh giá và quyết định nhiệm
vụ KT - XH, ngân sách nhà nước như thế nào?
Do hoạt động của KTNN là hoạt động độc lập, đánh giá và xác nhận một cách khách quan về thông tin kinh tế - tài chính nên kết quả kiểm toán hàng năm, báo cáo từng cuộc kiểm toán của KTNN là nguồn thông tin tin cậy, có giá trị pháp lý cao giúp QH trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo thực quyền của QH trong các quyết định về tài chính - ngân sách và quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia.
Hàng năm, QH thảo luận và quyết định về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán NSNN... Qua hoạt động giám sát, qua tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước, qua những cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các công ty tư vấn độc lập... và đặc biệt là kết quả kiểm toán hàng năm của KTNN là một nguồn thông tin quan trọng giúp QH sử dụng trong quyết định và giám sát NSNN.
UB Tài chính - Ngân sách của QH đã tổ chức đánh giá và khai thác nội dung các báo cáo kiểm toán Nhà nước, tổng hợp và chọn lựa các kết quả của KTNN để phục vụ cho việc đưa ra ý kiến thẩm tra các báo cáo của Chính phủ. Nhưng hiện nay vẫn chưa hình thành được quy trình riêng trong việc đánh giá và khai thác, sử dụng nội dung của các loại báo cáo kiểm toán của KTNN.
Tôi cho rằng QH nên có một ban chuyên môn để khai thác, phân tích và sử dụng kết quả kiểm toán với những nội dung cụ thể, phục vụ đối tượng cụ thể, đặc biệt là những vấn đề có tính chiến lược của nền kinh tế, tài chính quốc gia; những vấn đề cử tri quan tâm; những vấn đề có nhiều vi phạm, sơ hở trong điều hành và quản lý... giúp đại biểu yên tâm hơn khi sử dụng những thông tin này để chất vấn trong các kỳ họp của QH.
Khánh Vy