Phản ánh đến đường dây nóng, nhiều bạn đọc tại các địa bàn khác nhau ở Hà Nội phản ánh bắt được nhiều kiến ba khoang, kiến ba khoang đốt người như loài kiến gây bệnh ở Thừa Thiên Huế.
“Sáng qua, em ngủ dậy phát hiện ở dưới mắt hai nốt sưng phồng rộng, ngứa khó chịu. Những tưởng chỉ mình mình bị, không ngờ hai cô em họ ở cùng nhà cũng bị những nốt lạ ở khắp lưng, người. Trước đó một tuần, Tú cũng bị một nốt đốt phồng rộp ở lưng nhưng không để ý”, em Tú (ngõ 264 Ngọc Thụy, Gia Lâm) gọi đến tòa soạn phản ánh.
Thấy vết đốt lạ, cả ba cùng săm soi mọi ngóc ngách trong phòng và bắt được 3 con kiến. “Nhớ đến thông tin “kiến lạ” tấn công người ở Huế, ba chị em tôi bật mạng lên đọc và nhìn hình ảnh loại kiến đốt người ở Huế, giật mình thấy con kiến mình bắt được giống y chang. Thảo nào vết đốt sưng to, húp hết cả mắt, không như những con côn trùng khác đốt”, em Tú nói.
Vết đốt của kiến ba khoang gây ngứa ngáy, khó chịu. |
“Nguy hiểm quá, ở khu em nhiều người cũng phản ánh bắt được loài kiến này. Mình lớn còn đỡ, bọn trẻ mà bị nó đốt thì sẽ khó chịu lắm. Mà tại sao trong khu em lại xuất hiện loại kiến ba khoang này? Ngay đằng sau nhà em là cánh đồng, có phải đó là nguyên nhân xuất hiện kiến. Từ lúc bị loài kiến này “tấn công”, bọn em mới bắt đầu để ý thì thấy nó còn bay được, rất thích bay quanh ánh sáng”, Tú bày tỏ lo lắng.
Cùng ở Gia Lâm, một bạn đọc ở khu chung cư Đặng Xá cho biết, hai ngày hôm nay cũng phát hiện kiến ba khoang và con giai 3 tuổi cũng bị đốt gây ngứa khiến bé ngãi, vết đốt loét to. Lúc đầu cứ ngỡ bé bị “giời leo”, nhưng sau đó tôi cũng bị và việc phát hiện kiến ba khoang trong nhà, tôi càng chắc chắn con bị loài kiến này đốt.
Gọi điện đến báo Dân trí, bạn đọc ở khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết phát hiện mấy con kiến ba khoang trong nhà và đã mua thuốc diệt côn trùng về phun.
Tại khu chung cư Ngọc Khánh, Hà Nội người dân cũng phát hiện loài kiến này. Con gái một bạn đọc cũng từng bị đốt 2 – 3 lần với vết đốt đúng như miêu tả do nọc độc kiến ba khoang gây ra. Mỗi lần bị đốt bé rất lâu khỏi và sưng ngứa rát nhiều.
Khó diệt kiến ba khoang
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, con kiến mà người dân mang mẫu vật đến là kiến ba khoang, thuộc bọ cánh cứng, đầu đen, ngực có màu vàng cam hoặc đỏ, cánh cụt. Đây không phải là loại mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng. Đây cũng là loài côn trùng đang tấn công người dân ở TPHCM và Huế mà báo chí phản ánh thời gian vừa qua.
Kiến ba khoang người dân bắt được trong nhà. |
Tuy nhiên, TS Khoa cũng cho rằng, những nốt đốt mà người dân phản ánh không phải hoàn toàn do kiến ba khoang gây ra. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ..
“Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Để phòng tránh kiến ba khoang, gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Vệ sinh xung quanh khu dân cư, phát quang bụi cây, cỏ dại quanh nhà. Ban đêm tắt bớt các bóng đèn không cần thiết. Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc. Riêng ở khu khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng”, TS Khoa khuyến cáo.
Thời gian qua, ngoài Huế, kiến ba khoang cũng xuất hiện tấn công khu dân cư ở TP HCM. Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng), lớp Insecta (côn trùng), ngành động vật. Về mặt hình thái học của loại côn trùng này rất đặc biệt: thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...
Để phòng các nốt ngứa, phản ứng, sưng tấy do loài côn trùng này gây ra, khi có tiếp xúc vùng ra với kiến ba khoang cần rửa thật sạch bằng xà phòng. Lưu ý, không được chà xát làm vây bẩn độc tố của chúng ra vùng da nhiều nơi, vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa.
Khi bị kiến ba khoang đốt, rửa sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt…
Theo Dân Trí