Tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề còn yếu kém

Ngày 16/12, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang về các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có 8.209 tàu cá đã đăng ký. Trong đó, có 3.631 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.607 tàu và tổ chức giám sát 24/7.

Tổ thanh tra, kiểm tra nghề cá tại cảng cá đã kiểm tra 2.954 lượt tàu cập cảng, rời cảng. Đồng thời, kết hợp với các tỉnh ven biển quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản khai thác.

Tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng, thời gian qua tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác chống khai thác IUU, tuy nhiên chưa đạt được kết quả mong muốn.

Theo ông, để thực hiện triệt để các vấn đề chống khai thác IUU, chuyển từ nghề cá truyền thống sang nghề cá có trách nhiệm, cần xem lại quy hoạch, chiến lược phát triển thủy sản.

W-tau-ca13-1.jpg
Thứ trưởng yêu cầu Kiên Giang phải tập trung vào vấn đề quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản và xử lý dứt điểm vi phạm (Ảnh: Hồ Giáp).

Đối với nhiệm vụ chống khai thác IUU, đoàn công tác yêu cầu tập trung vào 3 nội dung chính là quản lý đội tàu khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử lý tàu cá vi phạm. Ông Lê Quốc Anh cho rằng, 3 nội dung này có liên quan với chặt chẽ với nhau, giúp Kiên Giang phát triển ngành thủy sản hiện đại, có trách nhiệm và bền vững.

Đặc biệt, hoạt động chống khai thác IUU sẽ giúp cho lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót còn tồn tại, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kiên giang sẽ tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát tàu cá “3 không” và tổ chức cho đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác khi đảm bảo điều kiện. Mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng tàu “3 không” tham gia khai thác trên biển. Mục tiêu đến tháng 4 năm sau, tỉnh Kiên Giang cơ bản kiểm soát được nhóm tàu “3 không”, ông nhấn mạnh.

Chuyển đổi sinh kế cho chủ tàu, ngư dân

Trước đó, đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) về công tác quản lý cập cảng, bốc dỡ hàng thủy sản đánh bắt và truy xuất nguồn gốc. Khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng dự án Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang.

Sau buổi kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ ra những tồn tại và hạn chế của địa phương trong quản lý tàu cá, giám sát hành trình, ghi chép nhật ký không đúng gây khó khăn trong truy xuất nguồn gốc...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Kiên Giang phải có giải pháp xử lý nghiêm tàu cá "3 không" hoạt động khai thác trên biển; phải tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng tại các cảng cá, kiểm soát chặt công tác bốc dỡ hàng qua cảng và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về nhật ký khai tác, dữ liệu hệ thống giám sát hành trình, sản lượng...

Về Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang, thuộc dự án phát triển thủy sản bền vững của Bộ NN-PTNT sẽ giúp tỉnh thực hiện chiến lược ngành thủy sản, phát triển nuôi trồng, giảm áp lực khai thác, chống khai thác IUU hiệu quả.

Ông Lê Quốc Anh khẳng định, tỉnh sẽ tập trung tổ chức tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề cho chủ tàu, ngư dân không đủ điều kiện tham gia khai thác theo quy định, gắn với triển khai có hiệu cao Đề án Phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, bằng giải pháp giao khu vực biển, hỗ trợ mô hình, đảm bảo sinh kế bền vững.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tỉnh Kiên Giang phải thay đổi quy trình nuôi hiện đại: từ lồng nuôi tự chế tạm bợ thay bằng lồng nhựa HDPE thân thiện với môi trường; từ thức ăn tươi từ nguồn cá tự nhiên phải chuyển sang thức ăn công nghiệp. 

Ngoài ra, phải quy hoạch các vùng nuôi thủy sản trên biển kết hợp nuôi thêm các loại rong biển để làm thực phẩm, dược liệu...

Thứ trưởng đề nghị ban quản lý dự án của Bộ tích cực phối hợp tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm nghề cá lớn. 

Tỉnh Kiên Giang cần xây dựng cơ chế chính sách chuyển đổi nghề cho các chủ tàu, ngư dân không đủ điều kiện tham gia khai thác theo quy định, gắn với triển khai hiệu quả đề án nuôi biển tỉnh. Việc này giúp đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần công tác chống khai thác IUU trên địa bàn.

Tâm An