Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, tiếp tục tăng so với năm 2020. Với con số này, Việt Nam sẽ đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm nay. Trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam là 17,2 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới.
Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức hơn 18 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay. Sự phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7% dù đại dịch COVID-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái.
Kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ vượt tổng giá trị của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) cộng lại trong năm thứ hai liên tiếp.
Giám đốc Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về An sinh xã hội và Việc làm, ông Michal Rutkowski, cho biết dòng kiều hối từ người di cư đã cùng các chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt của chính phủ giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối được trở về để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các nhân tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối toàn cầu bao gồm quyết tâm giúp đỡ gia đình kịp thời của người di cư, cùng với đó là sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.
Kiều hối tăng mạnh tại hầu hết các khu vực. Dòng kiều hối tăng 21,6% tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, 9,7% tại Trung Đông và Bắc Phi, 8% tại Nam Á, 6,2% tại khu vực châu Phi phía Nam Sahara, và 5,3% tại châu Âu và Trung Á. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kiều hối giảm 4%.
Chủ tịch KNOMAD Dilip Ratha cho rằng các quốc gia cần mở rộng quyền tiếp cận tài khoản ngân hàng và dịch vụ chuyển tiền cho người di cư nếu muốn dòng kiều hối tiếp tục tăng trưởng, đồng thời bảo vệ để họ không bị trả lương quá thấp và đảm bảo cho họ khả năng tiếp cận vaccine.
Trong năm 2022, kiều hối được dự báo sẽ tăng 2,6%. Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập.
Ngoài ra, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi nền kinh tế phục hồi cũng có thể làm giảm lượng kiều hối.
(Theo VTV)
Kiều hối về Việt Nam đứng trước nguy cơ sụt giảm do dịch Covid-19
Lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam hàng năm đạt ít nhất 4 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ sụt giảm mạnh khi số lượng người lao động làm việc ở nước ngoài đi xuống trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19.