Mở công ty, lập các dự án kêu gọi đầu tư, mượn danh người khác để chạy việc… là những mánh lừa hiện được không ít kiều nữ ưa chuộng. Oái oăm ở chỗ dù biết thừa là bị lừa, song không ít bị hại vẫn phải cay đắng chấp nhận mà gần như không có hy vọng lấy lại tiền, hay thậm chí là buộc các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự. Có lẽ đây là những bài học đắt giá với nhiều quý ông…
1. Mấy năm trước, anh Phạm Văn K. (trú tại xã Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên) "đột nhiên" đổi đời khi mảnh đất thừa kế của bố mẹ rơi trúng vào quy hoạch của một khu đô thị sinh thái thuộc dạng "khủng" của Hà Nội. Cả đời chân lấm tay bùn, trong nhà anh K. chưa bao giờ có số tiền mặt quá 5 triệu đồng nay bỗng dưng được đền bù gần 5 tỷ đồng.
Hôm ra UBND xã để nhận tiền, thậm chí anh K. còn không… đếm số tiền mình nhận, vì sự thật là anh cũng không biết 1 tỷ đồng là có bao nhiêu chữ số "0". Và anh cũng chỉ biết "quẳng" tất cả vào ngân hàng. Nhẩm tính cứ ngồi nhà vểnh râu đến cuối năm tất toán sổ tiết kiệm thì chỉ riêng số tiền lãi đã gấp cả chục lần hoa lợi từ hoa màu, chăn nuôi cả một năm trời.
Có lẽ cuộc sống của anh K. và gia đình không đến nỗi khốn khổ như hiện nay, nếu như không gặp "kiều nữ" Hoàng Thu H.
Nhiều người đã mắc bẫy dự án của kiều nữ Hoàng Thu H. |
Số là khi biết tin anh K. được đền bù đất, bao nhiêu "bạn bè" của anh mà "tỷ năm không gặp" đột nhiên mò đến chia vui, rồi tỉ tê vay mượn. Đông nhất là số tìm đến rủ rê góp vốn làm ăn. Trong số bạn bè của K. có D. là người chăm chỉ đến chơi nhà anh K. nhất. D. rủ anh K. ra Thủ đô chơi bời, thăm thú nhiều nơi và tập tành theo mốt "quý tộc" của tầng lớp thượng lưu. D. thuyết phục anh K. mua một xế hộp trị giá gần tỷ đồng, xài đồ hiệu, bỏ hút thuốc lào và tập tọng chuyển sang ngậm xì gà Cuba… Và đỉnh điểm D. rủ anh K. tham gia đầu tư một dự án bất động sản, cùng với "kiều nữ" H.
Ngay lần đầu gặp, anh K. đã say như điếu đổ người phụ nữ này. Và từng bước ngài "phú nông" đã bị thị chuốc bả cho say ngắc ngư, để rồi cuối cùng phải ôm hận.
Tại cơ quan công an, anh K. trình bày, lúc đầu nghe đối tượng D. "hót", anh từ chối ngay vì số tiền đầu tư lớn quá, có thể "bay" cả đống tiền anh K. đang gửi tại ngân hàng. Sau rồi đối tượng D. và đặc biệt là kiều nữ H. thường xuyên rủ rê anh K. tham gia các hội thảo, sự kiện về bất động sản.
Thi thoảng H. còn rủ anh K. đi "đánh lẻ" ở một số khu du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng. H. cũng không quên khéo léo khoe với anh K. về công ty của thị, về những dự án mà cô ta đang đầu tư, và những mối quan hệ của H. với nhiều VIP thuộc một số sở, ban ngành của Trung ương và Hà Nội. Cuối cùng, H. hối thúc ông "phú nông" nhanh chân nhảy vào các dự án kẻo lỡ mất thời cơ. H. vẽ ra tương lai rực rỡ rằng chỉ sau 1-2 năm số tiền anh K. đầu tư sẽ nở ra gấp đôi, gấp ba.
Sau khoảng 6 tháng quen biết D. và đặc biệt là kiều nữ H., dù móng chân móng tay vẫn vàng khè, song K. lại nghĩ mình đã thuộc tầng lớp "elite" (tinh hoa) trong xã hội. Số tiền trong tài khoản ngân hàng thì cứ vơi dần, còn mộng làm giàu trong người anh K. bừng bừng nổi lên. Thêm vào đó, sự săn đón yêu chiều của kiều nữ H. cũng khiến cho anh K. như mê đi và quyết định tham gia dự án với cô ta.
Vẫn theo ông "phú nông nửa mùa" trình bày, thì đầu tiên các đối tượng thiết kế thành lập Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng P.K., do Phạm Văn K. làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó bộ máy của công ty sẽ được D., H. hoàn thiện dần. Tiếp đó, H. (là giám đốc một số công ty "ma") đã tổ chức thực hiện việc đánh giá năng lực, tạo hồ sơ liên doanh… để "thổi" cho công ty P.K của anh K. thật hoành tráng. Các đối tượng "chuốc" rằng, với những động thái trên thì công ty của anh K. sẽ dễ dàng kiếm được những hợp đồng đầu tư bất động sản béo bở. Khi đó chỉ việc ngồi rung đùi mà đợi tiền chảy vào tài khoản.
Công việc trôi chảy được khoảng vài tháng, số tiền giải ngân cho các công đoạn thành lập công ty, đầu tư trang thiết bị, chi phí thẩm định năng lực, chi phí chạy dự án… đã khiến tài khoản của phú nông K. nhanh chóng hết sạch. Đó cũng là lúc các đối tượng D. và đặc biệt là H. dần dần xa lánh anh K. Một năm sau thì anh K. gọi điện thoại cho các đối tượng để bàn chuyện làm ăn thì chả đối tượng nào thèm bắt máy.
Lúc đó K. giật mình quay ra kiểm tra sổ sách tài chính thì mới phát hiện số tiền trong tài khoản đã hết nhẵn. Rà soát thu chi thì thấy trong các phiếu chi chỉ có duy nhất chữ ký của Giám đốc P. (người do đối tượng H. giới thiệu sang); còn chi đi đâu, cho ai thì có… giời mới biết. Cực chẳng đã anh K. phải làm đơn tố cáo các đối tượng D., H., P. ra cơ quan công an. Tuy nhiên dựa vào hồ sơ này thì gần như chỉ có thể quy trách nhiệm duy nhất cho đối tượng P. Còn D. và H. vẫn cứ nhơn nhơn ở ngoài vòng pháp luật.
Đau đớn bị quả lừa này, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn K. đành cất công đi tìm hiểu về đối tượng H. Hóa ra thị đã có hai đời chồng, tuy nhiên thị không ở với ai mà chỉ cặp kè để kiếm cớ làm ăn. Thị cũng có một công ty "to vật" trên phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Song công ty này làm ăn thế nào thì cũng có "thánh" mới biết. Một bị hại khác của H. thì kể rằng, ở đâu không biết chứ với nhiều nhiều tiệm spa đẳng cấp của Hà Nội thì kiều nữ H. luôn là khách VIP. Người này cũng cho biết mấy năm trước, H. đã suýt toi đời vì tai nạn sau một cuộc nâng ngực tại một thẩm mỹ viện. Sau đó kiều nữ phải mò sang tận Hàn Quốc để "căn chỉnh" lại.
2. Nếu như Hoàng Thu H. tỏ ra cao tay trong việc lừa "phú nông" Phạm Văn K. thì kiều nữ Nguyễn Thị Hằng (35 tuổi, trú tại khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng dùng nhan sắc và thủ đoạn để "chăn dắt" một cán bộ Thanh tra của tỉnh Hòa Bình. Nhưng thủ đoạn của Hằng đã bị bóc trần, và phải trả giá bằng nhiều năm tù giam.
Mạo danh là Tiến sỹ để chạy việc, kiều nữ Nguyễn Thị Hằng đã phải trả giá bằng nhiều năm tù giam. |
Theo bị hại Vũ Đức T., anh quen với Hằng qua mạng xã hội. Nói chuyện một thời gian, Hằng biết anh T. có nhu cầu theo học thạc sỹ và chuyển công tác từ thanh tra huyện Lạc Thủy, Hòa Bình về Hà Nội. Mặc dù chỉ là kẻ không nghề nghiệp, song Hằng "nổ" đang là tiến sỹ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và sẽ lo cho anh T. về công tác tại Hà Nội với một giá rất "mềm mại".
Tin tưởng vào "quan hệ" của kiều nữ, anh T. mau mắn gửi 100 triệu đồng tiền "trà thuốc" gửi vào tài khoản cá nhân của Hằng. Ít ngày sau Hằng tiếp tục "chém gió" cô ta có nhiều mối quan hệ với giới chức sắc của thành phố và "ok" ngay với người bạn trai mới quen qua mạng, đồng thời yêu cầu đưa 20.000USD làm chi phí xin việc.
Vì chưa chuẩn bị đủ tiền, anh T. phải bán chiếc xe ôtô đang sử dụng được 320 triệu đồng, đưa cả cho Hằng. Sau khi "ẵm" trọn 420 triệu đồng của anh T., Hằng "lặn" mất tăm. Thấy Hằng không xin được cho mình đi học thạc sỹ và có việc làm mới ở Hà Nội, anh T. nhiều lần đòi tiền song Hằng cứ khất lần rồi bỏ trốn.
Không tìm thấy Hằng, anh T. đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của "nữ quái" này đến Công an phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Trong quá trình làm rõ vụ việc, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và xác định trường này không có cán bộ, công nhân viên, giảng viên nào có tên là Nguyễn Thị Hằng.
Khi bị triệu tập đến cơ quan công an để làm rõ, Hằng khai nhận mặc dù không có nghề nghiệp gì ổn định và chẳng quen biết ai có khả năng xin học, cũng như xin việc làm ở Hà Nội, đối tượng vẫn mạo danh là tiến sỹ, giảng viên đại học để lừa đảo chiếm đoạt tiền của anh T. Hằng sau đó đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 4-2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Hằng. Với hành vi đó, Hằng đã bị tuyên phạt mức án 30 tháng tù giam.
3. Tháng 9-2016, đối tượng Nguyễn Thị Lam (30 tuổi, trú tại Đô Lương, Nghệ An) đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến lúc này, nhiều khách hàng VIP mới "ngã ngửa người" khi biết rằng đã sập bẫy "kiều nữ" xinh đẹp.
Với nhan sắc của mình, Nguyễn Thị Lam đã "chăn" được rất nhiều khách hàng VIP rồi chiếm đoạt tiền tỷ. |
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Lam khai do thiếu tiền tiêu xài, cộng với sự lỏng lẻo trong quản lý của Phòng giao dịch Đô Lương, Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP Vinh, cùng việc người gửi dễ chấp nhận mọi yêu cầu khi Lam trả lãi suất cao đã khiến thị nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Thị Lam và đồng phạm tại cơ quan điều tra. |
Tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy từ tháng 4-2016 đến tháng 9-2016, số tiền Lam đã chiếm đoạt của khách hàng lên đến 47 tỷ đồng. Có người bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Thủ đoạn của Nguyễn Thị Lam là giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống để đề nghị khách hàng ký vào hồ sơ, sau đó thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển khoản tiền tại sổ tiết kiệm của các khách hàng gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng đến các tài khoản khác.
Được biết Lam từng tốt nghiệp Cao đẳng kinh tế tại Nghệ An về công tác tại Phòng giao dịch huyện Đô Lương. Sau 5 năm làm việc, Lam quen nhiều khách hàng giàu có và chèo kéo gửi tiền vào chi nhánh của mình, hứa hẹn trả lãi 8-12% một năm trong khi mức quy định của ngân hàng thấp hơn nhiều, có thời điểm chỉ 4-5%.
Tin tưởng nữ cán bộ ngân hàng nhiệt huyết, nhiều khách hàng đã tới nhà riêng của Lam ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sau đó, sổ tiết kiệm được Lam giao tận tay cho họ.
Khi có nhiều khách hàng thân tín, Lam khai bắt đầu thực hiện kế hoạch chiếm đoạt tài sản. Lam nhiều lần tạo cớ mời khách VIP tới ngân hàng "ký trước, hoàn tất hồ sơ sau" do "sắp có các chương trình khuyến mãi về tăng lãi suất". Có các chữ ký, Lam tự tạo văn bản đề nghị rút tiền của khách hàng, mang trình Ban Giám đốc hoặc kiểm soát viên nhằm hoàn tất thủ tục.
(Theo An ninh Thế giới)