Các tin liên quan |
Mắt to chỉ tốn 120.000đ
Một hôm, tình cờ đi đón cô cháu gái học ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Q.10, chị Lan rất ngạc nhiên khi thấy nhiều học sinh nữ có cặp mắt màu rất lạ, có em mắt màu đỏ, em khác thì mắt vừa to, vừa xanh y như… Tây, có em mắt tím lịm trông như chết trôi… Cháu gái của chị cũng có đôi mắt màu xanh ngọc, thoạt nhìn giống như cô bé người Rồng trong phim Những viên ngọc rồng của TQ. Chị càng bất ngờ hơn khi Khánh Vân - cô cháu chị, khoe là đa phần các bạn nữ ở trường đều đeo kính để đổi màu mắt, riêng Khánh Vân có bộ sưu tập năm màu gồm đỏ, nâu, cam, xanh và tím để thay đổi mỗi ngày.
Theo lời Khánh Vân giới thiệu, chúng tôi đến một cửa hàng kính trên đường Bà Hạt, Q.10, nơi chuyên kinh doanh kính áp tròng, kính giãn tròng. Có đến gần 20 màu sắc khác nhau, các loại kính được đựng trong chai thủy tinh trắng nên người mua có thể dễ dàng chọn màu sắc. Giá một cặp kính ở đây từ 150.000 - 200.000đ, người bán giới thiệu hàng xuất xứ Malaysia, Singapore và Hàn Quốc với nhiều nhãn hiệu như Q.Eyes, G & B… Ngoài ra, phải mua kèm theo nước rửa kính với giá 50.000 - 70.000đ/lọ.
|
Nếu như trước đây, kính áp tròng chỉ dùng cho người cận, viễn... thì nay kính áp tròng được bán như một món hàng thời trang, một món trang sức làm cho “cửa sổ tâm hồn” đẹp hơn. Khách hàng đến tiệm chủ yếu là các em học sinh tuổi teen, có em phụ huynh đưa đến mua sắm, có em tự chọn kính như mua quần áo thời trang ở ngoài shop. Khi chúng tôi đang chọn kính, nhân viên bán hàng tư vấn thêm, nếu mắt nhỏ thì nên chọn loại giãn tròng cho mắt to và rộng hơn, giá cũng như nhau. Tùy theo thời hạn sử dụng, nếu ba tháng thì giá rẻ, chọn loại sáu tháng thì giá 250.000đ/cặp. Tại cửa hàng không có bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng kính mà chỉ có tờ giấy hướng dẫn dán lên sản phẩm: nên đeo tám tiếng ngày, sau đó mang ra rửa cho sạch kính (!). Một học sinh đang chọn kính tại đây cho biết, dù em bị bệnh mắt (cận thị 20), nhưng thấy bạn bè ai cũng đeo kính này nên cũng muốn tậu cho mình một cặp giống bạn. Nhân viên bán hàng cho biết, có cả kính cho người bị yếu thị lực, hoặc loạn thị mà không cần phải đo mắt. Chỉ cần người mua khai bao nhiêu độ là nhân viên lấy ra kính độ với đủ màu sắc, khách hàng chỉ cần chọn màu. Nhân viên bán hàng còn nói thêm, chỉ cần đeo không nhức mắt là được (!?).
Tại một cửa hàng kính khác trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, chúng tôi còn thấy bày bán loại kính tạo ra nhiều hình dạng cho đôi mắt, ví dụ muốn mắt tròn xoe thì chọn kính hình tròn; muốn mắt dài chọn kính hình chiếc lá, để mắt nở rộng hai bên thì có hình trái tim…; giá chỉ khoảng từ 120.000 - 400.000đ/cặp, tùy xuất xứ. Điều ngạc nhiên là nhiều nam thanh niên cũng bị cuốn vào xu hướng này khi có nhiều kính hình thù rất quái như hình viên đạn, hình mắt cọp… và màu sắc rất “lạnh” như xám, trắng đục, khi đeo vào cho người đối diện cảm giác kinh dị như trong phim ma bởi tròng mắt thì to, màu mắt thì trắng xám… “Thỉnh thoảng tôi đeo vào ban đêm đi uống cà phê với bạn bè trông rất ấn tượng”. Minh Hùng - sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Kiến trúc cho biết.
Không chỉ có ở cửa hàng kính, các điểm bán kính lề đường ở Nguyễn Trãi - Nguyễn Biểu, Q.5, kính giãn tròng cũng được bày bán thoải mái. Nguồn gốc được người bán giới thiệu nhập từ Hàn Quốc nhưng không hề có nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng, giá thấp nhất 80.000đ/cặp, khách hàng có thể mua tất cả các loại kính mà không cần kiểm tra mắt.
Lạm dụng kính áp tròng rất dễ bị hư mắt
Thanh Thảo - một học sinh lớp 6 ở Q.7 kể, trong lớp có bạn đeo kính giãn tròng cho mắt to, khi lấy ra thì không được, bạn bè cố giúp cũng không ổn, cuối cùng phải nhờ đến cô giáo mới lấy được kính ra, một phen hú vía. Các đại diện nhà cung cấp kính áp tròng tại thị trường Việt Nam khuyến cáo, kính áp tròng loại không độ có màu sắc và hình dáng lạ chỉ là hàng thời trang, đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho số ít giới trẻ. Tuy nhiên, khi sử dụng phải hiểu biết cách bảo quản kính và bảo vệ mắt. Quan trọng là phải tìm đến nơi có nghiệp vụ chuyên môn, biết hướng dẫn cho khách cách sử dụng đúng, cũng như chọn size vừa với mắt, nếu không mắt sẽ bị cộm đỏ kéo dài... Dù nhận được rất nhiều lời cảnh báo, nhưng giới trẻ vẫn đua theo mốt này. Thủy Tiên, học sinh trường Lê Lợi, Q.3 cho biết, cô đeo kính giãn tròng màu đen để tạo cảm giác mắt to và đẹp hơn đã năm tháng nay và đeo suốt cả ngày, chiều tối mới lấy ra, thỉnh thoảng mắt bị cay và đỏ, nhưng không ảnh hưởng nhiều nên cô nghĩ sẽ tiếp tục đeo cho đến chán thì thôi.
Bác sĩ Phạm Nguyên Huân, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết: Đeo kính áp tròng (CLs) hay giãn tròng kéo dài, không đúng cách (không vừa vặn, không đúng vệ sinh) sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể là bị viêm giác mạc vô trùng, viêm giác mạc nhiễm trùng. Không ít trường hợp đeo CLs lâu dài làm mỏng giác mạc, giảm số lượng tế bào nội mô của giác mạc. Các trường hợp trên đều nguy hiểm vì để lại di chứng vĩnh viễn như loét giác mạc, sẹo giác mạc, làm mất một phần hoặc có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Có nhiều loại CLs khác nhau nhưng đa số các loại CLs hiện nay là loại kính áp tròng mềm, không thể đeo qua đêm. Tùy theo loại nhưng thời gian đeo kính áp tròng chỉ nên từ khoảng 10 - 12g mỗi ngày. Một số loại CLs có độ thấm oxygen cao sẽ có thể sử dụng liên tục trong 30 ngày nhưng chỉ nên dùng trong một số trường hợp bệnh lý, cần đeo kính áp tròng liên tục, theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tùy nhu cầu (công việc, thẩm mỹ…), người có tật khúc xạ vẫn có thể đeo CLs nhưng với điều kiện là phải biết cách giữ vệ sinh, làm việc trong môi trường không có nhiều bụi bặm, không dễ gây khô mắt…
Để đeo CLs an toàn, người dùng cần đến các bệnh viện chuyên khoa để khám mắt toàn diện, kiểm tra tình trạng giác mạc, chất lượng và số lượng nước mắt… Người sử dụng sẽ được đo các thông số khác như công suất, bán kính cong, đường kính giác mạc và được lắp kính sát tròng để kiểm tra sự vừa vặn, chặt quá hay lỏng quá, mức độ di chuyển… để chọn CLs phù hợp nhất với mắt. Người dùng còn phải cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ (lưu trữ, tháo, lắp CLs) theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
(Theo PNOL)