Đây không phải lần đầu thực phẩm Trung Quốc bị phát hiện độc hại nên chuyện chàng Vương chọn dâu tây nhanh chóng được lưu truyền để cảnh báo toàn dân.
Mới đây, một số chị em chia sẻ nhau câu chuyện người đàn ông họ Vương ở Thành Đô, Tứ Xuyên gặp một người bán trái dâu tây ven đường. Ăn thử thấy ngon, anh quyết định mua về và không hề nghi ngờ gì khi người bán hàng đề nghị chọn dâu giúp anh. “Tôi nghĩ vậy cũng có lý, nên để anh ta chọn cho mình,” anh Vương kể lại với tờ Tianfu Morning Post ngày 11 tháng Ba. Tuy nhiên, khi mang dâu về, gia đình anh mới thấy rằng gần như tất cả những trái dâu đều bị rỗng ở bên trong và không hề ngon chút nào. Quan sát kỹ hơn, họ thấy bên trong những trái này đều có vết tiêm.
(Ảnh: Internet) |
Đây không phải lần đầu tiên thực phẩm sản xuất ở Trung Quốc bị phát hiện can thiệp một cách thô thiển, phi tự nhiên (tẩm ướp, tiêm hoặc ngâm hóa chất, thậm chí làm giả) vì lợi nhuận. Kể ra thì cả một danh sách dài nào tôm bị tiêm gel công nghiệp có chứa kim loại nặng để làm tăng cân nặng, cá rô phi bị tiêm kháng sinh, táo và nước ép táo chứa nhiều thuốc trừ sâu lẫn thạch tín… Vậy nên, câu chuyện chàng Vương ở trên nhanh chóng được lưu truyền để cảnh báo toàn dân.
Thực tế, theo giải thích của một số chuyên gia, có nhiều lý do cho việc quả dâu bị rỗng ruột. Chẳng hạn như vì yếu tố giống cây - có một số giống dâu chẳng ai làm gì cũng rỗng một cách vô hại như vậy; những quả dâu đã già cũng có thể bị khô, rỗng và kém ngon; nhưng đây cũng có thể là kết quả của việc dâu bị tiêm hormone tăng trưởng kích trái lớn mau, chín nhanh. Một số loại hormone này đã được nhận định là gây hại cho cơ thể con người, gây dậy thì sớm hoặc làm tăng nguy cơ phát triển ung thư do kích thích tăng nội tiết tố.
Tất nhiên chúng ta cần sự vào cuộc quyết liệt và nghiêm túc của cơ quan chức năng, nhưng đồng thời mỗi người đều cần trang bị những kiến thức cơ bản để lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo vệ chính mình và gia đình.
Nói riêng về dâu, nếu so sánh sẽ thấy dâu Việt Nam có giá cao hơn gần gấp đôi so với dâu Trung Quốc tràn lan đầy lề đường, nhưng bạn hoàn toàn có thể được ăn hàng chuẩn với giá hợp lý nếu biết chọn ăn vào đúng vụ. Những năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ sinh học nên dâu tây Việt Nam đã có quanh năm nhưng nhìn chung chính vụ dâu truyền thống (cụ thể là ở vựa dâu lớn nhất cả nước - Đà Lạt) diễn ra trong khoảng từ tháng 11 đến tháng 3. Ngoài việc tốt nhất nên ăn trái cây mùa nào thức ấy, đừng ham ăn trái vụ thì bạn còn cần biết vài mẹo phân biệt đơn giản để đừng rơi vào cảnh thật giả lẫn lộn:
Hình ảnh được cung cấp bởi Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng, giúp người dân phân biệt được và chọn dâu tây đúng ý. |
Về màu sắc trái, dâu Trung Quốc có màu đỏ thẫm từ đầu đến cuống, lá kém tươi mướt trong khi dâu Đà Lạt có màu không đều, đỏ tươi ở đầu và trắng dần về cuống, lá tươi;
Về kích thước trái, dâu Trung Quốc to đều trong khi dâu Đà Lạt to nhỏ không đều nhau nhưng nhìn chung là nhỏ vừa;
Về cảm giác khi ăn, dâu Trung Quốc cứng và nhạt trong khi dâu Đà Lạt ăn mềm, có vị chua vừa phải, thanh;
Về khả năng bảo quản, dâu Trung Quốc có thể để 7-10 ngày vẫn tươi trong khi dâu Đà Lạt để 2 ngày đã có thể bị thâm, héo lá.
Và bất kể là dâu ở đâu, bạn cũng lưu ý một số kinh nghiệm lựa chọn dâu tây trái ngon, tránh trái bị tiêm thuốc kích thích tăng trưởng như sau:
Chọn quả đỏ, bóng cho thấy dâu đã chín chứ không chọn quả có đốm trắng hoặc xanh lá cây vì dâu sẽ không tiếp tục chín sau khi hái;
Quả cứng cáp, không bị vết thâm, bầm dập, mềm nhũn, đặc biệt ở phần gần cuống;
Quả vẫn còn nguyên cuống và đài xanh;
Quả có mùi thơm nhẹ;
Chọn quả thấy ráo tay, không bị ướt nước, không mốc;
Bạn đừng ham chọn quả to, chỉ nên chọn quả vừa, thậm chí quả chín càng nhỏ càng đậm đà, sau khi mua về thì rửa ráo và cất dâu trong tủ lạnh, ăn trong vòng 3 ngày nhé.
Dâu tây có rất nhiều vitamin và khoáng chất có thể giúp chống oxy hóa, chống lão hóa, giảm stress, giảm cholesterol, bảo vệ thành mạch máu… Bạn đừng vì 1-2 lần chọn sai mà sợ hãi từ bỏ loại trái quá tốt cho sức khỏe và sắc đẹp này, chỉ cần nhớ những mẹo kể trên là mọi chuyện ổn thôi!
(Theo Trí Thức Trẻ)