Quan sát đoạn đường vào cua
Trước khi vào cua, tài xế nên chú ý quan sát để định hình được khúc cua hẹp hay rộng, dài hay ngắn, mặt đường có trơn trượt hay gồ ghề.
Giảm tốc độ xe
Lỗi không giảm tốc độ khi vào cua xảy ra với hầu hết các lái xe do chủ quan nên không rà phanh trước khi vào cua hay khi vào cua mới rà phanh. Điều này là không nên do góc cua có thể có vật cản hoặc tác động bất ngờ mà người lái không lường trước được.
Thời điểm đánh lái khi vào cua
Khi đã thực hiện xong những thao tác chuẩn bị, bạn có thể tiến hành cho xe vào cua. Điểm lưu ý ở đây là không nên đánh lái nhiều lần để tránh cho xe mất cân bằng. Hãy ước chừng độ cong của đường để đánh lái một lần duy nhất cho thật “mượt”.
Chú ý giữ nguyên góc xoay của bánh lái đến khi ô tô chuẩn bị thoát cua thì bắt đầu trả lái. Trong trường hợp góc cua có độ cong thay đổi liên tục, hãy xoay thêm hoặc trả lái để ô tô tiếp tục cua trên đoạn đường đó. Điều quan trọng là bạn cần giữ được tay lái ổn định và chắc chắn.
Thoát cua
Khi đã thoát khúc cua, người tài xế bắt đầu trả lái thoát cua. Thao tác khá đơn giản, tài xế quay ngược vô lăng để xe có thể trở về quỹ đạo ban đầu.
Ở đây có lưu ý, đó là khi lái xe đánh lái quá nhiều lúc trả cua sẽ phải quay vô lăng ngược lại tương ứng với số vòng xoay cua. Nếu trên xe có trẻ em hoặc người có hiện tượng say xe sẽ khá nguy hiểm vì xe sẽ bị lắc lư nhiều gây khó chịu khi ngồi trên xe.
Theo Báo Giao thông