- Các DN cho rằng khả năng thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào tạo công ăn việc làm của Việt Nam đang bị đe dọa do nguy cơ thiếu điện trong tương lai.
Nỗi lo thiếu điện
Tại Diễn đàn DN cuối kỳ 2013 mới đây, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về nguồn cung năng lượng của Việt Nam. Tính bất ổn trong cung cấp điện đang làm các DN Nhật Bản lo ngại, ông Motonobu Sato - Chủ tịch Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam - cho biết.
Trên thực tế, đã có năm, việc cắt điện luân phiên khiến nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài bị gián đoạn sản xuất. Một số DN đã bị áp dụng lịch cắt điện 48 giờ mỗi tuần.
Trong khi đó, quy hoạch điện luôn bị vỡ, các nguồn cung luôn chậm tiến độ là mối lo lớn, các DN cho biết.
Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, (gọi tắt là Tổng sơ đồ điện VII), Việt Nam đặt mục tiêu đến 2020 sẽ đạt tổng công suất nguồn phát khoảng 75.000 MW và năm 2030 khoảng 146.800 MW. Tính ra, hết năm 2013, tổng công suất điện của cả nước sẽ đạt khoảng 30.000 MW, như vậy từ 2014-2020 bình quân mỗi năm phải đưa vào trên 6.000 MW - điều rất khó thực hiện.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mục tiêu đạt 75.000 MW điện vào 2020, cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế ở mức 6%/ năm. Nếu kinh tế tăng trưởng ở mức cao hơn, từ 7- 8%/năm trở lên và đời sống nhân dân tăng thì không đủ.
Theo Tổng sơ đồ điện 7, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% trong tổng công suất, như vậy sẽ cần lượng than là 67,3 triệu tấn/năm và đến 2030, nhiệt điện than khoảng 76.000 MW, chiếm 51,6% cần tới 171 triệu tấn than/năm. Nguồn than cung cấp cho nhiệt điện than là một vấn đề hết sức nan giải. Từ 2015, Việt Nam phải nhập khẩu than, nhưng đến nay nguồn cung chưa được đảm bảo. Trên thế giới các nước có trữ lượng than lớn là CHLB Nga, Ấn Độ, Indonesia, Úc, trong số các nước đó chỉ có Úc và Indonesia có khả năng xuất khẩu, nhưng đến nay họ vẫn chưa trả lời sẽ đảm bảo cho Việt Nam được bao nhiêu và trong thời gian bao lâu.
Trong nước với bể than thuộc Đồng bằng sông Hồng có trữ lượng 200 tỷ tấn, có thể khai thác lò tại một số tỉnh như Hà Nam, Thái Bình. Tại Quảng Ninh cũng có thể khai thác thêm 1 tỷ tấn ở mức dưới 100m, nhưng vấn đề quan trọng là nguồn vốn. Dù nhập khẩu hay mở mỏ tại Việt Nam thì cũng cần vốn lớn. Chẳng hạn, muốn mở mỏ tại Quảng Ninh, thì cần tới 20 mỏ và chi phí mỗi mỏ cũng vào khoảng 300 triệu USD, tốn 6 tỷ USD. Đây là những nguồn vốn lớn khó có thể nào cáng đáng nổi.
Nỗi lo lại càng lớn hơn khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) vừa cho biết, các cuộc đàm phán với hãng dầu lửa Chevron của Mỹ về khai thác một mỏ khí đốt rơi vào thất bại do bất đồng về giá cả. Thất bại trong đàm phán với Chevron sẽ khiến các nhà máy phát điện của Việt Nam thiếu đi nguồn nhiên liệu đầu vào là khí tự nhiên, sẽ trì hoãn các kế hoạch dùng khí đốt để phát điện ở Cần Thơ trong thời gian tới.
Thất bại này cũng cản trở kế hoạch của Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ sử dụng khí đốt trong cơ cấu năng lượng được dùng. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, khí đốt chiếm khoảng 38% trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam và Chính phủ dự kiến tăng tỷ lệ này lên 40% vào năm 2015. Đến nay, WB cho rằng, tỷ lệ này có thể giảm xuống mức 15% vào năm 2020.
Nhà đầu tư vẫn đợi
Hiện nay Nhà nước khó có thể nâng công suất của các nhà máy điện mới. Chính phủ đang cố gắng giảm thiểu chi tiêu công, còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gánh những khoản nợ lớn, vì vậy rất khó có thể vay được vốn nếu không được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, Petro Viet Nam đang tìm cách bán bớt cổ phần thay vì thực hiện dự án mới.
Hiện nay có ít nhất 15.000 MW công suất điện đang trong giai đoạn phát triển, bởi các nhà đầu tư nước ngoài, số dự án này tương đương với khoảng 25 tỷ USD. Nếu các dự án này có hiệu quả thì sẽ giảm cho Nhà nước gánh nặng phải đi tìm khoản vốn tương ứng.
Tuy nhiên, việc cấp phép các dự án điện cho DN nước ngoài rất chậm. Các nhà đầu tư nước ngoài phải mất nhiều năm để có thể hoàn tất thủ tục xin phép xây dựng nhà máy điện tại Việt Nam. Gần đây, một số dự án điện của DN nước ngoài đã được cấp phép, nhưng phần lớn vẫn gặp khó khăn. Có dự án đàm phán kéo dài nhiều năm hay số khác chỉ ký được biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương.
Các ý kiến cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nguồn năng lượng điện gió lớn nhất ASEAN. Tổng sơ đồ điện VII cũng đưa ra mục tiêu đạt 1.000 MW phong điện vào năm 2020. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các nhà máy phong điện chậm hơn nhiều so với dự kiến, với tổng công suất đến nay mới chỉ đạt 46 MW.
Hiện các nước Bắc Âu rất quan tâm và mong muốn đầu tư vào ngành công nghiệp này tại Việt Nam, song do môi trường kinh doanh và cơ chế chính sách chưa minh bạch, đầy đủ nên chưa hấp dẫn họ.
Ngoài ra, khúc mắc còn nằm ở giá bán điện. Giá mua điện của EVN từ các công ty sản xuất điện độc lập thấp, không đủ tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư, không đủ đảm bảo các khoản vay ngân hàng. Chẳng hạn, EVN mua điện gió giá 7,8 UScents/Kwh, trong khi con số này tại Philippines là 12-20 UScents/Kwh, Thái Lan và Indonesia là 18 UScent/Kwh. Chính vì vậy, những công ty có năng lực tài chính và uy tín về phong điện chưa có cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.
Trần Thủy