Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cho biết kính viễn vọng Arecibo bất ngờ đổ sập vào 7h55 sáng 1/12 (giờ địa phương). Một giàn dầm treo bệ máy thu tín hiệu nặng 900 tấn đã rơi xuống đĩa phản xạ rộng 300 m bên dưới, phá hủy toàn bộ cấu trúc của kính viễn vọng.
Kính viễn vọng thuộc Đài quan sát Arecibo bị sập trước khi được tháo dỡ. Ảnh: NBC. |
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến Arecibo đổ sập. Theo New York Times, điều tra ban đầu cho thấy phần trên của 3 trụ đỡ cao 305 m đã bị vỡ. Sự cố không gây thiệt hại về người.
Cái kết buồn cho một biểu tượng
Sethuraman Panchanathan, Giám đốc NSF cho biết ông rất buồn vì sự cố, nhưng thật may bởi không ai bị thương. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ giới khoa học và duy trì mối quan hệ với người dân Puerto Rico", đại diện NSF cho biết trên Twitter.
Trước đó vào 19/11, NSF tuyên bố sẽ cho dừng hoạt động Đài quan sát Arecibo sau sự cố đứt dây cáp và đâm vào đĩa phản xạ. Hồi tháng 8, một sợi cáp phụ bật ra khỏi ổ tạo thành vết nứt dài hơn 30 m trên đĩa. Các sự cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc của kính thiên văn.
Giàn dầm treo bệ máy thu tín hiệu nặng 900 tấn đã rơi xuống đĩa phản xạ rộng 300 m bên dưới. Ảnh: AFP. |
Sự cố sập kính viễn vọng Arecibo là cái kết buồn cho một biểu tượng của ngành thiên văn học. Nhiều người có thể nhận ra nó trong GoldenEye, bộ phim về điệp viên James Bond ra mắt năm 1995.
Đối với các nhà khoa học, Arecibo là công cụ quan trọng trong việc khám phá vũ trụ. Họ đã sử dụng kính thiên văn tại đài quan sát để nghiên cứu các tiểu hành tinh khi chúng bay ngang qua Trái Đất, tính toán thời gian can thiệp trước khi xảy ra va chạm.
Công cụ thiên văn mạnh mẽ
Năm 1967, Arecibo đã có "thành tích" đầu tiên khi phát hiện rằng Thủy tinh mất 59 ngày để quay một vòng, không phải 88 ngày như các nghiên cứu trước.
Các nhà khoa học còn sử dụng Arecibo để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất. Năm 1974, đài thiên văn đã phát ra dòng tần số sóng mạnh nhất mà Trái Đất từng gửi vào vũ trụ để tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác.
Năm 2016, Arecibo lần đầu phát hiện những vụ nổ vô tuyến nhanh được lặp lại - tín hiệu không gian bí ẩn được cho là phát từ những ngôi sao đã chết. Gần đây, đài quan sát còn theo dõi tín hiệu được gửi từ các ngôi sao xung quanh thiên hà.
“Độ nhạy tại Đài quan sát Arecibo cao hơn bất kỳ thiết bị nào khác và cũng linh hoạt hơn chúng rất nhiều. Nó còn có thể quan sát được từ tầng bình lưu đến những vùng xa của vũ trụ", Joanna Rankin, nhà thiên văn học tại Đại học Vermont cho biết.
Đài quan sát Aricebo được hoàn thiện vào năm 1963, là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới trong hàng chục năm. Ảnh: NAIC. |
Ý nghĩa văn hóa to lớn
Không chỉ là công cụ thiên văn mạnh mẽ, Đài quan sát Arecibo còn có ý nghĩa văn hóa to lớn với người dân Puerto Rico, là nguồn cảm hứng cho niềm đam mê khoa học công nghệ của nhiều người.
Năm 2008 và 2016, việc thiếu nguồn tài chính đã cản trở hoạt động của kính viễn vọng. Sau nhiều năm chịu thiệt hại do thiên tai và sức ép tài chính, nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của Arecibo.
Gần 60.000 người đã kiến nghị các cơ quan tìm cách ổn định cấu trúc giúp kính viễn vọng tiếp tục hoạt động thay vì phá bỏ. Thornton Tomasetti, kỹ sư thuộc công ty đánh giá cấu trúc kính thiên văn cho rằng nếu có sửa chữa, khả năng một sợi cáp khác bị hỏng vẫn rất cao.
Trên Internet, nhiều nhà khoa học và người dân Puerto Rico đã đến khu vực của Arecibo để nói lời chia tay sau sự cố sập kính viễn vọng.
Đài quan sát Arecibo dừng hoạt động khiến giới khoa học tiếc nuối. Ảnh: AP. |
"Thật buồn khi nhìn thấy một phần của cuộc đời tôi đã sụp đổ... Tạm biệt", Catherine Neish, Phó giáo sư Đại học Western Ontario cho rằng việc mất đi Arecibo còn gây sự phẫn nộ cho các nhà khoa học, những người tin rằng NSF hoàn toàn có thể ngăn chặn điều này.
"Đây không phải điều không thể tránh. Nếu họ (NSF) duy trì đúng cách, có khả năng sự cố đã không xảy ra", Neish cho biết.
Đài quan sát Aricebo được hoàn thiện vào năm 1963, là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới trong hàng chục năm. Hiện kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới là Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500 m (FAST), hoàn thành năm 2016 tại Trung Quốc. Kích thước của FAST tương đương 30 sân bóng đá, khả năng phát hiện sao xung nhạy hơn 2,5 lần so với kính viễn vọng thuộc Đài quan sát Arecibo.
Theo Zing
Cột kim loại nghi của 'người ngoài hành tinh' ở Mỹ biến mất bí ẩn
Giữa núi đá đỏ và sa mạc ở bang Utah, Mỹ, xuất hiện một cây cột hình tam giác kỳ lạ. Không ai biết vì sao cây cột này lại hiện diện ở đây, và nó cũng đột nhiên biến mất không dấu vết.