Với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, nhà rông là “trái tim” của làng, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống được bà con ra sức gìn giữ, phát huy.
Tuy nhiên, hiện nay, vì nhiều lý do như khó khăn trong công tác quản lý, thiếu các vật liệu xây dựng,… mà nhà rông truyền thống gần như không còn. Thay vào đó là các nhà rông văn hoá được xây dựng bằng các vật liệu hiện đại. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mai một về văn hoá, mà còn khiến bà con không còn quá mặn mà với việc đến nhà rông sinh hoạt.
Được hỗ trợ gần 100 triệu đồng từ Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum triển khai, cuối năm 2023, dân làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã cùng nhau họp bàn, phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình, từng cá nhân tìm các nguyên, vật liệu để dựng nhà rông.
Huy động bà con trong làng cùng “đồng tâm hiệp lực” xây dựng nhà rông truyền thống, các già làng đã tập hợp người dân trong làng, phân công công việc cụ thể. Để có được các nguyên vật liệu làm nhà rông, những người đàn ông lực lưỡng nhất của làng sẽ lên rừng, tìm tre, nứa để làm vách; những người phụ nữ có sức khỏe sẽ cùng nhau đi cắt cỏ tranh để lợp mái. Các trụ sẽ được tận dụng từ gỗ có sẵn để dựng nhà.
Đại diện UBND xã Rờ Kơi cho biết, hiện nay trên địa bàn xã, bà con trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng đã xây dựng được ba nhà rông bằng các chất liệu tự nhiên, truyền thống. Sau khi nhà rông được xây dựng xong, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Chi bộ thôn, các tổ chức đoàn thể thôn, đặc biệt là già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động bà con trong các thôn đến tham gia sinh hoạt văn hóa tại nhà rông, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Lăng.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đến nay, trong tổng số 503 làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 479 nhà rông, nhà sàn cộng đồng; trong đó có 221 nhà sử dụng nguyên liệu truyền thống để xây dựng như gỗ, tre, mái lợp tranh…
Việc bảo tồn, phục dựng nhà rông truyền thống hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho các di sản, giá trị văn hóa gắn liền với nhà rông được gìn giữ, phát huy, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, cồng chiêng, múa xoang...