Đổi mới quản lý hành chính đất đai

Trong bối cảnh công nghệ thông tin đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống thì việc đổi mới quản lý hành chính đất đai thông qua việc kết nối và xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về lĩnh vực đất đai phục vụ công tác quản lý đất đai… là một yêu cầu cấp thiết. 

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn ngày càng cao trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là trong vấn đề xử lý thủ tục hành chính về đất đai cho người dân và doanh nghiệp, Sở đã nỗ lực đổi mới quản lý hành chính đất đai thông qua việc kết nối xây dựng CSDL quốc gia về đất đai nhằm phục vụ công tác quản lý đất đai…

Kon Tum1.jpg
Người dân Kon Tum giải quyết thủ tục hành chính công. Ảnh: UBND tỉnh Kon Tum

Để làm được nhiệm vụ đó, Sở xác định nhiệm vụ quan trọng là phải hoàn thiện Hệ thống thông tin đất đai với 4 thành phần: con người, dữ liệu, phần mềm chuyên ngành và hạ tầng công nghệ thông tin.

Kết quả đến nay, toàn bộ hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đã quản lý vận hành và cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính thông qua phần mềm ViLis 2.0, kết nối Cơ sở dữ liệu đất đai nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân. 

Việc liên kết cơ sở dữ liệu này cũng góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các sở ngành doanh nghiệp liên quan thống nhất phương án đồng bộ, quy trình thực hiện xử lý hồ sơ đất đai liên quan đến thủ tục hành chính “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận”.

Sở cũng đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, hộ gia đình cá nhân khi tham gia nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công các huyện, xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum về lợi ích khi tham gia đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến. 

“Theo báo cáo tổng hợp trong 9 tháng năm 2024 số hồ sơ tiếp nhận là: 41.570 hồ sơ; Đã giải quyết: 39.880 hồ sơ; Đang giải quyết: 1690 hồ sơ”, đại diện Sở TN&MT tỉnh Kon Tum thông tin. 

Ông Võ Thanh Hải, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Kon Tum nhìn nhận, thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại đơn vị đã được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Qua đó đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành trong giai đoạn tiếp theo góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Đáng lưu ý, nhận thức của các CBCCVC trong đơn vị về chuyển đổi số được nâng lên. Đội ngũ CBCCVC làm công tác chuyển đổi số được đào tạo và nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai chuyển đổi số tại đơn vị còn gặp khó khăn vướng mắc. Trong đó, rào cản lớn nhất là nguồn vốn đầu tư ứng dụng CNTT chủ yếu là ngân sách địa phương (được cấp trong dự toán giao đầu năm trong nguồn chi hoạt động sự nghiệp địa chính và sự nghiệp môi trường), chưa thu hút được các nguồn vốn khác.

Ngành tài nguyên môi trường là ngành đa lĩnh vực việc triển khai hoàn thiện CSDL do đó, ông Hải cho rằng rất cần nguồn kinh phí lớn để triển khai và triển khai trong dài hạn.

Trong khi, kinh phí đầu tư, trang bị hạ tầng CNTT còn thiếu, nhất là kinh phí đầu tư cho an toàn, bảo mật thông tin. Việc kinh phí được giao chung trong nguồn kinh phí chi thường xuyên gây khó khăn trong việc cân đối để triển khai các nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao.

Bên cạnh đó còn bộ phận người dân, doanh nghiệp còn e dè, chưa chủ động tích cực ứng dụng các tiện ích của chính quyền điện tử, chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh, trong đó có dịch vụ công trực tuyến. 

Thói quen dùng tiền mặt của người dân chưa thay đổi, tâm lý còn e ngại tiếp cận các sản phẩm dịch vụ hiện đại.  Hơn nữa, vẫn còn tâm lý lo ngại vấn đề đảm bảo an ninh an toàn khi thanh toán điện tử, nhất là bộ phận dân cư tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Để công tác chuyển đổi số được triển khai kịp thời và hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum bố trí kinh phí để đơn vị chủ động đầu tư về hạ tầng trang thiết bị CNTT đảm bảo đáp ứng đủ tiêu chuẩn và đủ khả năng phục vụ công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số, an toàn an ninh thông tin mạng.

Sở TN&MT cũng đề xuất tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện xây dựng CSDL đất đai tạo nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử.

Ngô Huyền