Cụ thể, năm 2018, Việt Nam và 10 quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada, Singapore, Mexico... đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) với nhiều cơ chế mở cửa về thương mại, đầu tư, mua sắm chính phủ và môi trường... 

{keywords}
Các dòng xe nhập được cắt giảm thuế sẽ theo chân các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đổ bộ vào Việt Nam

Ở góc độ thương mại, trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu xe dưới 9 chỗ ngồi từ nhiều quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Mexico, Úc và Canada theo lộ trình ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, mức thuế suất đối với xe nhập từ các nước CPTPP hiện được áp dụng 70% giống như WTO, ở giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam sẽ cắt bỏ thuế trung bình từ gần 4 -6%/năm.  

Theo Nghị định 57/2019 của Chính phủ về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2019-2022, mức thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi từ Mexico sẽ xuống mức thấp nhất 56% vào năm 2022. 

Trong khi đó, bốn nước còn lại là Nhật, Úc, Canada, Singapore sẽ có mức áp thuế giảm nhanh hơn đối với xe dung tích xy lanh cao trên 2.500 cc trở lên. Mức thuế suất hiện tại là 52% đối với dòng xe trên 3.000cc sẽ được giảm xuống 46,2% vào năm 2022.  

Các dòng xe có dung tích từ 1.500cc đến 2.000cc được giảm xuống mức thuế 56% như xe của Mexico; xe có dung tích từ 2.000 cc đến 2.500cc sẽ được giảm thuế xuống chỉ còn 50,9% vào năm 2022. 

Về dài hạn, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm thuế quan, mở cửa nhập khẩu xe hơi từ các nước đối tác như Nhật Bản, Canada từ 7 trở đi (kể từ khi CPTPP được ký kết chính thức).

Đối với các đối tác khác, thuế suất sẽ được áp dụng chung theo dung tích xe hơi, đơn cử là đối với xe dưới 9 chỗ ngồi dung tích xy lanh cao từ trên 3.000 cc, Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập từ năm thứ 10 (tức là năm 2029) và năm thứ 13 đối với các dòng xe có xy-lanh thấp hơn.  

Như vậy, có thể nói, bắt đầu từ năm 2026 đến 2032 (tùy theo đối tác), thuế nhập khẩu xe hơi từ một số nước CPTPP vào Việt Nam sẽ bằng 0%.  

{keywords}
Nếu điều kiện mở bình thường, các cam kết được thực thi đúng, người tiêu dùng Việt sẽ được lựa chọn xe dễ dàng hơn và mức giá phù hợp hơn so với hiện tại.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ việc một số đối tác được bỏ thuế sớm ở Việt Nam thay vì bỏ đồng loạt như các nước thành viên khác là dựa trên sự thương thảo, đàm phán giữa mỗi đối tác khác nhau, dựa trên lợi thế hoặc bất lợi từng nước. Đây là điểm tiến bộ và công bằng mà các hiệp định FTA thế hệ mới mang lại so với WTO - sân chơi mà quyền và lợi ích thuộc về các nước lớn, các đối tác sáng lập. 

Hiện Việt Nam nhập khẩu xe con dưới 9 chỗ từ Nhật rất hạn chế, chủ yếu tập trung một vài dòng xe sang; xe nhập từ Nhật chủ yếu là loại xe chuyên dùng, xe khách. Trong khi đó, xe dưới 9 chỗ ngồi của các thương hiệu Nhật như Honda, Mitsubishi, Toyota, Subaru về Việt Nam nay chủ yếu được nhập Thái Lan, Indonesia với thuế suất 0% từ năm 2018. Chính vì vậy, việc bỏ thuế từ năm thứ 7 trở đi với xe con của Nhật (năm 2026) không tác động nhiều đến thị trường xe hơi du lịch tại Việt Nam. 

Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam cũng sẽ cắt giảm đồng bộ và mạnh mẽ các dòng xe nhập từ 28 nền kinh tế thành viên EU bắt đầu từ tháng 8 năm 2020 cho đến hết năm 2030 thì mở cửa hoàn toàn. 

Theo hướng dẫn của Nghị định số 111/2020/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành mới đây về miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa theo EVFTA giai đoạn 2020 - 2022, thuế suất thuế nhập khẩu xe hơi từ EU, chủ yếu là Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển... về Việt Nam sẽ giảm trung bình từ 6,8% đến 7,4%/năm (tùy theo dung tích). 

Với mức thuế xe EU hiện nay đang bị đánh từ 67-70,9% vào Việt Nam, vì thế với lộ trình cắt giảm từ 6,8-7,4%/năm, xe EU về Việt Nam sẽ phải mất từ 9-10 năm để bỏ thuế. Và bắt đầu từ năm thứ 3 đến năm thứ 5, thuế suất thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh hơn vài chục %.  

Về lý thuyết, giá các mẫu xe nhập như Audi, Peugeot, Renault, Lexus, Volvo của Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển hay Nhật, Mexico, Úc về Việt Nam có thể được người tiêu dùng cảm nhận sẽ rẻ đi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần cho giá xe giảm, điều kiện đủ phải là thị trường, giá bán, thị hiếu khách hàng...

Ngoài thị trường xe mới, Hiệp định CPTPP còn có quy định cho phép nhập khẩu ô tô qua sử dụng (sử dụng không quá 5 năm tại nước xuất khẩu). Cụ thể, năm 2019, Việt Nam được phép nhập 66 chiếc xe qua sử dụng đấu giá hạn ngạch thuế quan, trong đó Bộ Công Thương đã đấu giá thành công 33 xe có dung tích trên 3.000 cc, 33 xe có dung tích dưới 3.000 cc.  

Dù CPTPP cho phép nhập khẩu xe cũ (sử dụng không quá 5 năm tại nước xuất khẩu), song chỉ theo hạn ngạch tối tiểu 66 và tăng bình quân 6 chiếc/năm. Như vậy, nhiều khả năng các mẫu xe cũ khó có khả năng tràn ngập Việt Nam, gây rủi ro môi trường và điều này cũng không tác động nhiều đến thị trường xe cũ.

(Theo Dân Trí)