(Vietnamnet) - Một buổi tối thầy Hoàng Ngọc Hiến gõ cửa phòng tôi, trong tay cầm bản thảo cuốn “Lão Khổ”. Giờ đây tôi vẫn còn nhớ y nguyên vẻ mặt của thầy vào cái buổi tối hôm đó…

Chân dung thầy Hoàng Ngọc Hiến
Tôi thi vào trường Viết văn Nguyễn Du với điểm số không cao, chỉ vừa đủ để có một xuất ở nhà nội trú. (Trong ba anh em từ thuỷ điện Sông Đà cùng ứng thí thì Vũ Hữu Sự và Nguyễn Lương Ngọc đều đỗ thủ khoa, một người văn xuôi, một người thơ). Vì thế tôi luôn có một chút mặc cảm. Thậm chí nhiều đêm cứ nơm nớp nỗi lo bị xem xét lại tiêu chuẩn chỗ ở (giả dụ bỗng đâu có thêm một ai đó cỡ... thủ khoa nhập học muộn sẽ phải có ai đó nhường xuất ở cho họ vì nhà trường đề cao tài năng?).

Nhưng hoá ra điều đó lại là niềm may mắn cho tôi. Bởi vì thay vì tự tin gặp gỡ người nọ, người kia đôi khi chỉ để được nghe khen, hoặc xông vào cao đàm khoát luận trong các cuộc trà dư tửu hậu (phần lớn là vô bổ và rất tốn sức), thì tôi khép mình, đóng cửa miệt mài học, đọc và sáng tác.

Tiểu thuyết “Lão Khổ” của tôi ra đời trong tâm thế ấy. Tôi suy ngẫm về tác phẩm này từ ngày còn ở Hoà Bình, trước cả khi có Bước qua lời nguyền và đã đặt bút viết mấy chương nhưng cứ thấy nó rời rạc nên dành dừng lại. Giờ, khi đã có riêng một căn phòng 9 m2, là cơ hội để tôi dỡ nó ra tìm một cái bắt đầu mới.

Và tôi đã làm được điều đó bằng một cảm hứng mạnh mẽ chính tôi không ngờ tới. Tôi cặm cụi viết suốt ngày, bất chấp mọi điều kiện cực kỳ khốn khó về đời sống.

Khoảng bốn tháng sau thì bản thảo hoàn thành. Nó được viết bằng tay, rồi tôi thuê đánh máy. Và khi đã đóng thành quyển thì ngày nào tôi cũng giở ra nhấm nháp những gì mình viết. Có lẽ không món nhấm nháp nào trên đời ăn lâu chán hơn món văn do mình tự chế biến. Tôi mê muội trước những con chữ của mình. Nếu lúc ấy có ai chê văn của tôi có lẽ tôi sẽ rất ghét họ, sẽ coi họ là loại người không có khả năng thẩm định văn học, như nhiều bạn trẻ tôi biết sau này. Điều đó hoá ra không đáng trách mà chỉ đáng thương thôi.

Sau vài tuần, cảm thấy hoàn toàn yên tâm thì tôi quyết định đưa bản thảo “Lão Khổ” cho thầy Phạm Vĩnh Cư và thầy Hoàng Ngọc Hiến đọc. Nói thật là tôi rất hồi hộp. Bởi vì với tôi, thầy Phạm Vĩnh Cư và thầy Hoàng Ngọc Hiến là hai ông thầy lớn, đáng tin nhất. Vì thế lời khen chê của hai thầy đương nhiên là rất có sức nặng. Nó có thể khiến tôi tràn ngập niềm vui mà cũng có thể khiến mọi thứ đổ sập trước mắt tôi.

Thầy Hiến không đọc ngay - như sau này tôi biết. Thầy chỉ đọc sau khi nghe thầy Cư, trong một buổi liên hoan, bất ngờ nói về cuốn bản thảo, theo đó thầy Cư hy vọng “Lão Khổ”, nếu được chăm chút sẽ là một cuốn tiểu thuyết tốt.

Một buổi tối thầy Hoàng Ngọc Hiến gõ cửa phòng tôi, trong tay cầm bản thảo cuốn “Lão Khổ”. Giờ đây tôi vẫn còn nhớ y nguyên vẻ mặt của thầy vào cái buổi tối hôm đó. Với một chút gì đó hơi tò mò, thầy Hiến nhìn tôi hồi lâu rồi hỏi:

-Em viết cuốn sách này mất bao lâu?

Tôi kể lại vắn tắt hành trình nó theo tôi từ Hoà Bình về, rồi tôi phải gỡ ra làm lại như thế nào trong bốn tháng. Thầy Hiến chăm chú nghe và gật gù. Những ai đã hiểu thầy sẽ rất cảnh giác với cái kiểu gật gù đó. Nhưng lúc ấy thì tôi tưởng bở là thầy thích tác phẩm của mình (Những người mới viết thường hay tưởng bở!). Khá lâu sau thầy Hiến mới bảo:

-Cuốn sách này có thể trở thành một tác phẩm đáng chú ý... nhưng cứ như hiện trạng thì chưa ổn.

Thầy Hiến khẽ so vai, đầu lắc lắc rồi nói tiếp:

-Em có vốn sống, có khả năng quan sát nhưng cái giọng văn thì chưa ổn. Một cuốn sách quan trọng là ở cái giọng điệu. Lão Khổ viết bằng tâm thế của kẻ hờn giận, ngùn ngụt căm tức, khinh bỉ ra mặt thứ hiện thực nhếch nhác là sản phẩm của một thứ tư tưởng nhếch nhác, lịch sử nhếch nhác, văn hoá nhếch nhác... mọi thứ nhếch nhác. Hay nói khác đi, em viết Lão Khổ để “bõ hờn”. Mới chỉ bõ hờn thì chưa ăn thua. Mà phải đạt đến độ thoả chí kia. Viết để thoả chí mới là cao tay. Nhiều khi một kẻ nào đó ngu dốt, đáng “mắng” thẳng vào mặt thì thay vì làm thế mình lại “khen” nó thông minh. Thế họ mới thấy sợ và thấy nhục. Văn chương kinh ở chỗ ấy đấy ông ạ.

Thấy tôi ngồi nghe bằng vẻ mặt hoang mang, thầy Hiến vội nói thêm:

-Nhưng để thoả chí được khó lắm, không phải ai cũng đạt tới. Có người cả đời không chạm tới. Cần phải có thời gian. Nói thế chứ thời gian quan trọng lắm. L.Tônxtôi không tin những người trẻ đủ khả năng viết hồi ký là vì ông rất biết để trung thực được với bản thân phải rèn luyện ghê lắm. Em còn trẻ, còn thời gian để rèn rũa ngòi bút của mình.

Ngừng một lát, thầy bảo bằng thứ giọng quen thuộc:

-Văn chương nó khó thế đấy... ông ạ (khi thân tình, thầy vẫn gọi cả học trò là ông). Chứ nếu nó dễ thì còn cần gì đến tài năng. Ý kiến của tôi là em nên viết lại.

Lúc đó tôi mới có 32 tuổi nên nghe những lời ấy chẳng khác nào nghe lời tuyên án sự nghiệp văn chương của mình thế là chấm dứt! Tôi choáng váng cả người. Viết lại cả một cuốn sách đâu có dễ. Nhất là khi đọc chỗ nào mình cũng thấy nó đã hoàn hảo, cắt đi chỗ nào cũng tiếc.

Trước khi ra về, thầy Hiến còn nhắc lại ý thầy là tôi cần phải dám làm lại.

Tôi gần như gục xuống bàn, suốt đêm sống trong tâm trạng buồn bã, thất vọng. Có lúc tính kiêu ngạo nổi lên, tôi tặc lưỡi: Thì thầy Hiến cũng chỉ là một độc giả, thầy không thích chắc gì đã là kém!

Nhưng lại một lần nữa trời thương tôi, khi cho tôi một sự bình tâm ngoài khả năng lúc ấy của tôi. Tôi bắt đầu nghiền ngẫm ý kiến của thầy Hiến và đọc lại những gì mình viết một cách thật lạnh lùng, theo kiểu đọc tác phẩm của người khác. Và chính tôi ngạc nhiên là tại sao lại có những lúc mình hạ bút dễ dãi như vậy. Mà những chỗ như vậy khá nhiều. Nó cho thấy một sự non nớt, chủ quan, hời hợt của người viết. Nó không vì chính tác phẩm, mà vì người viết muốn chứng tỏ một điều gì đấy. Nó dày đặc những tuyên ngôn ồn ào để thể hiện tác giả là người mạnh mẽ, mà không giúp gì, nếu không muốn nói là làm hại cho tác phẩm.

Và tôi, thay vì đưa ra nhà xuất bản, đã xé cuốn bản thảo thành từng trang, mạnh mẽ vứt đi những trang “đọc lại mà phát ngượng”- đó là một tâm trạng có thật của tôi lúc ấy. Sau đó tôi để thời gian lắng lại, bình tâm suy ngẫm thêm và bắt đầu cuộc làm lại vô cùng chật vật.

Có thể nói là tôi đã viết lại gần như cả 200 trang để cuối cùng trở thành cuốn sách như sau này. Quá trình sửa chữa vật vã đó tôi không nói với ai. Khi nộp tác phẩm tốt nghiệp, tôi đưa Lão Khổ ra, nhưng là bản thảo hoàn toàn mới.

Tôi nghĩ thầy Hiến sẽ giữ nguyên quan điểm về cuốn sách như đã nói với tôi buổi tối hôm nào. Nhưng thật bất ngờ, câu nhận xét đầu tiên của thầy về tôi hôm tôi bảo vệ tác phẩm tốt nghiệp lại là: “Tôi ghi nhận ở Tạ Duy Anh khả năng có thể nói là phi thường trong việc tự sửa chữa tác phẩm của mình, một khả năng thuộc loại hiếm bởi việc làm đó quá khó, nhất là với một cây bút còn trẻ. Giờ đây, với bản thảo này - thầy Hiến giơ tiểu thuyết Lão Khổ lên -tôi có thể nói lời chúc mừng em. Tôi hoàn toàn bất ngờ về bản lĩnh của em”.

Thầy Hoàng Ngọc Hiến ở nhà riêng (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Thế nghĩa là thầy đã đọc lại cuốn sách để thấy nó là một cuốn sách khác so với cuốn bản thảo Lão Khổ cách đây gần một năm. Và ý kiến của thầy cũng khác chứ không giống nhiều người đã bị ấn tượng xấu một lần là không thay đổi, trước hết là không đọc lại. Chỉ những người sinh ra để làm thầy mới có khả năng và sự cẩn trọng ấy. Sau này trong một lần trả lời phỏng vấn, Thầy Hoàng Ngọc Hiến tái khẳng định ý kiến của thầy về Lão Khổ khi bảo đó là một cuốn tiểu thuyết quan trọng.

Ví thử ngày đó thầy Hiến khách sáo khen xã giao và nương tay với tôi, chắc chắn sau đó tôi sẽ vội vàng đưa in Lão Khổ như bản thảo chưa sửa chữa, thì thật là thảm hoạ cho nghiệp văn chương của tôi. Có những điều, nếu để nó xảy ra, bạn chỉ còn cố mà chịu sự dày vò vì xấu hổ nữa thôi. Một người viết chỉ thích những lời khen, những lời ban khen, là một người vĩnh viễn không bao giờ trưởng thành.

Giờ đây, mỗi khi nhớ về kỷ niệm đó với thầy Hoàng Ngọc Hiến, tôi lại thầm tiếc cho những bạn học các khoá sau không có sự chỉ bảo trực tiếp, tận tình và thẳng thắn của một người thầy lớn mà tên tuổi sẽ còn lại mãi trong ký ức nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích văn học, nhất là với những học trò trường Viết văn Nguyễn Du.

Tạ Duy Anh