Hình ảnh về loài muỗi gây sốt rét trong một phòng thí nghiệm tại Bộ Y tế Công cộng Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet đã đăng các bài nghiên cứu trong đó đánh giá rằng ở nhiều khu vực thuộc Thái Lan, Việt Nam và Capuchia, ký sinh trùng phổ biến gây sốt rét đã có thể kháng hai loại thuốc chống sốt rét phổ biến nhất.
Ông Olivo Miotto tại Viện Wellcome Sanger thuộc Đại học Oxford (Anh), người tham gia cuộc nghiên cứu nêu rõ: “Phát hiện đáng lo lắng này cho thấy vấn đề về kháng thuốc đối với ký sinh trùng Plasmodium falciparum ngày càng tồi tệ tại Đông Nam Á từ năm 2005. Những ký sinh trùng kháng thuốc này có khả năng xâm chiếm lãnh thổ mới”.
Trong khi đó, ông Roberto Amato, một thành viên khác tham gia nghiên cứu, đánh giá: “Chúng tôi phát hiện ra rằng loại ký sinh trùng này đã lan rộng mạnh mẽ, chiếm chỗ ký sinh trùng sốt rét địa phương và đang lấn át tại Việt Nam, Lào cũng như Đông Bắc Thái Lan”.
Tờ Guardian (Anh) cho biết mỗi năm có tới 400.000 người chết vì sốt rét, trong số đó chủ yếu là trẻ em ở châu Phi. Trong 10 nạn nhân chết vì sốt rét trên toàn cầu, có tới 9 ca mắc ký sinh trùng Plasmodium falciparum.
Ngoài ra, ông Miotto lo ngại về viễn cảnh khủng khiếp khi ký sinh trùng kháng thuốc “di cư” tới châu Phi – nơi hiện chiếm 92% ca sốt rét trên toàn thế giới.
Việc điều trị bằng thuốc DHA-PPQ được cho có hiệu quả ban đầu trong chống ký sinh trùng Plasmodium falciparum. Tuy nhiên các bác sĩ nhận thấy dấu hiệu ký sinh trùng Plasmodium falciparum đã kháng thuốc kể từ năm 2013.
Nghiên cứu gần đây cho thấy DHA-PPQ không còn tác dụng trong 87% trường hợp điều trị sốt rét tại Đông Bắc Thái Lan. Có khoảng 212 triệu người mắc sốt rét mỗi năm. Muỗi có chứa loài ký sinh trùng gây sốt rét là nguyên nhân chính gây bệnh.
Theo Baotintuc